Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, đến cuối tháng 10, các quận, huyện hoàn thành kế hoạch Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” năm 2017 (gọi tắt là Đề án ĐTN), với 122 lớp nghề cho 4.270 lao động các phường, xã, thị trấn.
Thực tế cho thấy, với hàng chục danh mục nghề, các địa phương chủ yếu chọn dạy nghề phi nông nghiệp, khá phù hợp với trình độ học vấn, tay nghề và định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo định hướng chung của thành phố. Năm 2017, bên cạnh nỗ lực đảm bảo triển khai kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn kịp tiến độ, nên hầu hết địa phương khi xây dựng kế hoạch tổ chức lớp nghề (trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của lao động) có trình bày kế hoạch cụ thể giải quyết việc làm sau đào tạo, theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH.
Nghề đan dây nhựa thu hút nhiều phụ nữ các địa phương tham gia học nghề, tạo việc làm, thêm thu nhập.
Qua kiểm tra, giám sát, các quận, huyện rất quan tâm việc duy trì và xây dựng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Bên cạnh nỗ lực liên kết với các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp may) ĐTN và tiếp nhận học viên trong độ tuổi vào làm việc, các địa phương xây dựng mô hình việc làm theo hình thức gia công, bao tiêu sản phẩm và tự tạo việc làm tại gia đình như: đan các sản phẩm lục bình, tre, dây nhựa và may sản phẩm các loại... Tuy nhiên, giá gia công sản phẩm còn thấp, chưa thật sự hấp dẫn nên một số lao động không bám nghề, nên mô hình gắn kết dạy nghề với giải quyết việc làm thiếu tính bền vững.
Mặt khác, qua đợt kiểm tra, giám sát, việc triển khai kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn 9 tháng qua ở các quận, huyện do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức trong tháng 10, cho thấy vẫn tồn tại một số mặt hạn chế. Trước hết là việc điều tra, khảo sát nhu cầu kết hợp tư vấn, định hướng học nghề chưa thật sự sâu sát, gợi mở cho lao động. Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện thừa nhận hạn chế của địa phương trong tư vấn, định hướng học nghề cho lao động do năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế. Do đó, dẫn đến tình trạng lao động đăng ký nhưng không học nghề này mà chuyển đổi nghề khác hay xin việc làm, không học nghề nữa nên địa phương không khai giảng lớp nghề được. Một bộ phận người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa thật sự quan tâm việc cần thiết trang bị nghề, việc làm nên rất ít người đăng ký học nghề, với cách nghĩ đơn giản rằng, đi làm mướn kiếm tiền nhiều hơn ngồi học nghề cả ngày!
Với nỗ lực và chuyển biến tích cực cũng như nhìn nhận hạn chế trong thực hiện Đề án ĐTN năm qua, hiện các quận, huyện tập trung triển khai điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, làm cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2018 sát hợp, thiết thực theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương; tiếp tục kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng ĐTN và quan tâm giải quyết việc làm cho lao động. Điều quan trọng vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương, chú trọng ký kết hợp đồng 3 bên, nâng hiệu quả dạy nghề để không lãng phí nguồn kinh phí của nhà nước.
Bài, ảnh: NGUYỄN KỲ