Dân gian có câu "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", với ý chê trách sự nuông chiều con, cháu của những người bà, người mẹ; đồng thời, cũng ngầm đề cao vai trò phụ nữ trong việc giáo dục con cái trong gia đình. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, cha mẹ cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc nuôi dạy con. Tại hội thảo "Vai trò của cha mẹ trong giáo dục con hiện nay", do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận Ninh Kiều tổ chức mới đây, đã phần nào khẳng định tầm quan trọng về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con…
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy nhiều gia đình xác định việc chăm sóc, giáo dục con cái là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ. Chị Nguyễn Thiên Nga, Chủ tịch Hội LHPN phường Xuân Khánh, chia sẻ: "Xưa nay, người mẹ vốn sống thiên về tình cảm nên có lợi thế trong việc gần gũi, bảo ban, giáo dục con. Mặc dù công việc chiếm phần lớn thời gian nhưng tôi vẫn luôn cố gắng sắp xếp cân đối, khoa học để quan tâm, giáo dục con, nhất là tâm sinh lý lứa tuổi mới lớn. Tuy là "con một" nhưng con gái tôi không ỷ lại mà rất chăm ngoan, học giỏi. Hiện tại, con gái vừa đi học đại học vừa đi làm thêm nên tôi thường gần gũi, tìm hiểu để có biện pháp giúp đỡ con khi cần thiết". Bên cạnh đó, do hoàn cảnh, cuộc sống mưu sinh bận rộn, một số gia đình không có thời gian quan tâm đến con nên đã để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc. Chị Trần Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường An Nghiệp nói: "Thực tế có nhiều cha mẹ phó mặc con cái mình cho nhà trường hay người giúp việc, nên ít nhiều tình cảm gia đình có khoảng cách. Trường hợp con cái không ngoan, không nghe lời cha mẹ ngày càng xuất hiện nhiều. Vai trò của các cấp Hội LHPN là phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng chị em chăm sóc, giáo dục con tốt".
Giáo dục con cái trong gia đình là trách nhiệm của cả cha và mẹ.
Tâm đắc với những kiến thức mà hội thảo mang lại, chị Lý Thị Thanh Việt, ở phường An Cư, quận Ninh Kiều bộc bạch: "Hội thảo là dịp giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, giúp chị em tìm hiểu một số vấn đề "cũ mà mới" trong việc giáo dục con cái, cũng như khắc phục được một số điểm mà bản thân từng mắc phải. Trong gia đình tôi, vợ chồng luôn thống nhất trong việc dạy dỗ, định hướng giáo dục con và cho con phát huy tối đa chính kiến của mình". Cũng theo chị Việt, trước đây do điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, qua sự gần gũi, quan tâm của người mẹ, chị biết được mong muốn của con không có ý định thi đại học, nên vợ chồng chị không có ý định bắt ép con thi mà định hướng cho con "đi đường vòng" với hình thức vừa làm vừa học. Nhờ sự cố gắng của bản thân và động viên của cha mẹ, đến nay, con gái lớn của chị Nguyễn Lý Thanh Uyên đã tốt nghiệp Đại học Y khoa và con trai út Nguyễn Long cũng đi lên từ cao đẳng và tốt nghiệp Đại học Điện. Hiện cả hai đều có việc làm ổn định.
Cùng dìu dắt con vào đời
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh kết hợp đồng bộ ba mặt giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội thì sự bình đẳng, hài hòa trong giáo dục con cái của cả cha và mẹ trong gia đình là vô cùng quan trọng. Chị Nguyễn Thanh Hương (quận Ninh Kiều) cho biết: "Trước đây, chồng tôi chỉ lo làm ăn nên công việc nhà, chăm sóc, giáo dục con đều do một mình tôi cán đáng. Lâu dần, nhận thấy con có chiều hướng khó bảo, không có sự yêu thương, thân thiết với cha nên tôi bàn với chồng dành nhiều thời gian cho gia đình và quan tâm, gần gũi, chơi đùa với con nhiều hơn. Chẳng bao lâu tình cảm của hai cha con đã cải thiện rõ rệt…". Cũng theo chị Hương, thông thường, tính cách của con trai chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người cha và nhất là sẽ học "cách" mà cha đối xử với mẹ chúng. Vì vậy, khi thấy cha ít quan tâm, dành thời gian cho gia đình, bỏ bê vợ con, bọn trẻ sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, khó bảo là điều dễ hiểu.
Đó cũng là trường hợp của gia đình chị N. Chị kể rằng con chị đã "sốc" nặng khi hay tin gia đình đổ vỡ. Từ một cậu bé ngoan ngoãn, học giỏi, B.- con trai chị đã dần trở nên bướng bỉnh, tụ tập bạn bè, tập tành uống rượu, nghiện game online đến nỗi học hành sa sút. Chị N. bộc bạch: "Biết là hôn nhân không thể cứu vãn được nữa nên tôi tìm cách gần gũi, động viên và khuyên nhủ con vượt qua cú sốc. Quan trọng là tránh làm xấu thêm hình ảnh người cha trong mắt con. Điều đó không có lợi cho giáo dục con cái sau này". Cũng theo nhiều chị em, bên cạnh một số người chồng vô tâm, ít khi quan tâm đến việc nhà, giáo dục con thì có rất nhiều "ông bố" rất thương con, luôn dõi theo, lo lắng cho con nhưng vì bản tính nghiêm khắc, ít nói nên thường phó thác cho vợ việc tìm hiểu, khuyên bảo con. Chị H.H. (ở quận Ninh Kiều) bộc bạch: "Mỗi khi thấy con gái đi làm đến khuya vẫn chưa về, tuy trong lòng ông xã rất lo lắng, chờ cửa đứng ngồi không yên nhưng khi nó vừa về đến cửa đã vội quay vô nhà và khi trở ra thì mang bộ dạng "hầm hầm" nóng giận. Vì vậy, con nhỏ sợ xanh mặt, lí nhí xin lỗi, chứ đâu dám bộc bạch do tính chất công việc phải đi làm về muộn".
Thạc sĩ Trần Thanh Hiển, Trưởng khoa Dân vận Trường Chính trị TP Cần Thơ, phân tích khá thấu đáo nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của cha mẹ trong giáo dục con nói chung và vai trò của phụ nữ trong gia đình nói riêng. Cô Thanh Hiển chia sẻ: "Trong gia đình, thường thì người cha giáo dục các con về chí hướng, sự nghiệp và nghị lực; còn người mẹ thì thiên về bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm cho con. Ngày nay, nhiệm vụ của người mẹ không đơn thuần là chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ mà tham gia vào quá trình định hướng, hình thành nhân cách cho con. Ngược lại, người cha bên cạnh những "việc lớn" cũng cần có trách nhiệm chia sẻ việc nhà, đưa đón, dạy con học… Bên cạnh đó, trong giáo dục con cái, các bậc phụ huynh cần chú ý mấy điểm sau: hãy tôn trọng các con; phát huy tính tự lập của con; nghiêm túc đối với con, kỷ luật con trong ranh giới cho phép; công bằng với con cả về tình yêu và vật chất…".
Cùng với việc nhận thức rõ tầm quan trọng trong giáo dục con trong gia đình hiện nay, mỗi gia đình cần bàn bạc, thống nhất để tìm ra những cách giáo dục con phù hợp, hiệu quả.
Theo Bài, ảnh: TRÂM ANH