Với đức tính chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con và do hoàn cảnh gia đình, nhiều phụ nữ âm thầm đảm nhận vai trò nội trợ, quán xuyến việc nhà, phụng dưỡng cha mẹ già, chăm sóc con cái để chồng an tâm công tác. Đa số họ đều được gia đình yêu thương, kính trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một bộ phận phụ nữ mang suy nghĩ lệch lạc, luôn trông chờ, ỷ lại vào sự bảo bọc của gia đình, người bạn đời. Một số người sau khi kết hôn có xu hướng giao hết trách nhiệm gánh vác gia đình lên vai người chồng, cứ vô tư vui chơi, hưởng thụ, thậm chí không quan tâm đến việc nhà, chăm sóc con cái... Sự vô tư sống đời “ tầm gửi” khiến chị em trở thành gánh nặng cho người bạn đời, gia đình…
Phó thác mọi việc cho bạn đời
Ngày anh S. cưới chị M., ai ai cũng khen anh tốt số vì chị M. đẹp lại học giỏi. Khi cưới nhau, chị M. 24 tuổi nhưng có 2 bằng đại học. Để cưới được người đẹp, anh S. phải cạnh tranh với rất nhiều ứng cử viên. Trước khi cưới vợ, anh S. đã là một người đàn ông thành đạt, thu nhập ổn định và đã mua được căn nhà nhỏ tại TP Cần Thơ sau gần chục năm phấn đấu. Do vậy, khi cưới vợ về, anh S. không đặt nặng vấn đề vợ phải đi làm để kiếm tiền vì anh tin mình có đủ khả năng để lo cho gia đình. Một hai năm đầu cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ rất hạnh phúc. Khi chị M. sinh con đầu lòng, anh S. còn thuê luôn cả người giúp việc để vợ khỏi bận việc chăm sóc con và bếp núc. Tuy nhiên, sau đó, chị M. sinh một mạch thêm 2 đứa con nữa thì anh S. bắt đầu thấy đuối với việc một mình làm trụ cột kinh tế gia đình. Mặt khác, do đã quen ỷ lại vào chồng, chị M. không chịu làm việc nhà, chăm sóc con cái, ngay cả việc đơn giản nhất là đưa con đi học chị M. cũng phó thác hết cho chồng. Mỗi sáng một mình anh phải đưa 2 con lớn đi học rồi mới đến công ty. Vậy mà, nhiều lúc anh S. đang làm việc mà nhận điện thoại của vợ là y như rằng anh phải mau chạy về nhà chỉ để phụ chị dỗ con vì bé khóc hoài. Anh S. có người em gái con chú bác dưới quê lên học đại học ở trọ gần nhà anh, lúc nào anh S. bận đi công tác, chị M. cứ việc đưa mấy đứa nhỏ qua cho cô em trông giúp. Một hai lần thì cô em gái còn sốt sắng, nhưng thấy chị dâu cứ vô tư “nhờ cậy”, cô em gái bắt đầu ngao ngán.
Tương tự, tính tiểu thư cũng khiến chị K. (Vĩnh Long) gặp nhiều khó khăn khi đảm nhiệm vai trò làm vợ, làm mẹ. Kinh tế gia đình khá giả, lại là con gái út nên từ nhỏ K. rất được cha mẹ và anh chị em yêu thương, cưng chiều. Học xong trung cấp du lịch, K. đi làm hướng dẫn viên du lịch được vài tháng thì xin nghỉ vì thấy nghề nhiều cạnh tranh, không hợp với mình. Sau đó, K. học đại học tại chức ngành tài chính kế toán. Học xong, K. xin đi làm cho một công ty. Do công việc mới chưa quen nên K. gặp nhiều rắc rối. Tuy nhiên, thay vì chịu khó học hỏi để sớm hòa nhập với môi trường làm việc thì suốt ngày K. toàn than phiền với gia đình rằng những đồng nghiệp ở công ty không thích mình, bắt nạt lính mới…thế là cô lại bỏ việc. Đến khi lấy chồng, mặc dù biết anh Đ. chồng mình là con trai duy nhất nhưng K. quy định trước muốn lấy K. thì phải ra riêng. Thương con, cha mẹ chồng của K. cũng “bấm bụng” chiều theo ý nàng dâu. K. ra ở riêng rồi, chẳng buồn nấu nướng, toàn rủ chồng ra ngoài ăn. Nhiều lúc có dịp ghé thăm con trai, mẹ anh Đ. không khỏi xót con vì nhà trọ bề bộn, bếp núc lạnh tanh, con dâu thì bận đi làm đẹp, mua sắm. Đến khi K. có thai mọi việc cứ rối cả lên. Dù chồng đi công tác, tiếp khách mà K. muốn gọi về liền thì phải về, nếu không thì K. đùng đùng nổi giận đòi bỏ thai. Thấy con dâu không đảm đang việc nhà, mẹ chồng chị K. thường lui tới phụ tiếp, mong cho cháu nội ra đời bình an. Nghĩ đến viễn cảnh tương lai của con trai, mẹ anh Đ. chặc lưỡi than con trai bà “số” khổ.
* Cần khuyến khích, tạo điều kiện để phụ nữ tự lập
Ông L. (quận Ninh Kiều) kể rằng thời trẻ do mải mê với sự nghiệp nên ông lập gia đình hơi muộn. Ngoài 30 tuổi ông mới gặp người phụ nữ khiến ông yêu say đắm. Cưới được vợ trẻ đẹp, theo lẽ thường ông L. sẽ hết lòng yêu thương chiều chuộng và bảo bọc vợ nhưng ông L. không suy nghĩ thế. Bà Tr. vợ ông vốn là con gái quê khá bỡ ngỡ khi về sinh sống ở thành thị. Để bà Tr. sớm hòa nhập vào cuộc sống mới, ngoài việc chăm sóc gia đình, ông L. khuyến khích vợ tập tành mua bán nhỏ. Ban đầu, bà Tr. cũng không hiểu dụng ý của chồng nên có vẻ buồn và mặc cảm vì nghĩ chồng xem thường, không trân trọng mình nên mới bày việc buôn bán để “hành” vợ. Tuy nhiên, dần dần ông L. thuyết phục vợ, hãy ra mua bán thử nếu không thích thì nghỉ và họ khai trương sạp bán dụng cụ học tập học sinh. Nhờ chịu khó, siêng năng lại vui vẻ, niềm nở, công việc của bà rất tốt. Đến nay, bà L. đã làm chủ hai cửa hàng bán dụng cụ học tập, quà lưu niệm thu nhập ổn định.
Gần đây, anh S. có biểu hiện lơ là sa sút trong việc. Một phần là do áp lực từ phía gia đình khi phải một mình nuôi 5, 6 miệng ăn. Thấy chồng buồn nhưng chị M. không biết làm cách nào san sẻ. Cuộc sống của cặp đôi cứ thế mà tẻ nhạt. Em gái anh S. khuyên anh trai mình nên trao đổi thẳng thắn với vợ và cùng hợp kế để “cải tạo” chị dâu. Ban đầu anh S. than với vợ rằng tình hình làm ăn của công ty gặp khó khăn, thu nhập giảm nên anh phải cho người giúp việc nghỉ để tiết kiệm chi phí với mục đích là tạo điều kiện để vợ tập tính tự lập, quán xuyến việc nhà. Rồi anh khuyến khích vợ việc đưa rước con. Dần dần thấy vợ có tiến bộ trong việc chăm sóc gia đình, anh S. tiến thêm một bước nữa là đề nghị chị tìm việc. Ban đầu chị M. cũng không muốn vì cho rằng mình không đi làm đã 7,8 năm, kiến thức không theo kịp. Được sự động viên của chồng, em chồng, dần dần chị cũng tìm việc văn phòng gần nhà. Giờ thì cuộc sống gia đình của anh S. và chị M. đã êm ấm hơn.
Chúng tôi xin mượn lời tâm sự của ông L. ở câu chuyện trên để kết thúc bài viết. Theo ông, một trong những điểm mạnh của phụ nữ là sự tự lập, không ỷ lại vào chồng con, gia đình, do đó phụ nữ cần phát huy vai trò tự lập của mình. Mặc dù, với khả năng kinh tế của mình ông thừa sức để lo cho vợ con một cuộc sống đầy đủ sung túc nhưng chưa chắc điều đó đã giúp gia đình ông hạnh phúc vì suy cho cùng, hạnh phúc gia đình phải do cả hai vợ chồng cùng nhau vun vén, xây đắp. Hơn nữa, cuộc sống hôn nhân, gia đình vốn nhiều phức tạp và không phải lúc nào cũng bình yên. Do vậy, nếu người phụ nữ nào còn mang tâm lý ỷ lại, làm thân tầm gửi, sống dựa dẫm vào chồng thì rất khó để có sự tôn trọng từ chồng con, càng khó để xây dựng, bảo vệ gia đình trước những sóng gió cuộc đời.
Theo Bài T.K