Về thôn Phụng Thượng, xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình hỏi ai ai cũng biết đến cô Nguyễn Thị Minh Thuận, một điển hình về nghị lực vượt lên những khó khăn tật nguyền của bản thân, sống có ích và thành công trong cuộc sống.
Tôi còn nhớ mãi ngày về thăm cô nhân dịp cô ra mắt tuyển tập “Thơ văn chọn lọc” (tác phẩm do NXB Phụ nữ ấn hành). Cô cho biết, đây là tập thơ thứ 5 và cũng là phần tinh túy nhất được chọn lọc từ những tác phẩm trong đời sáng tác của cô. Lễ ra mắt tập thơ đặc biệt của một nhà thơ đặc biệt, lời cảm ơn của tác giả được soạn thảo công phu nhưng lại nhờ người dẫn chương trình đọc giúp. Cô Minh Thuận ngồi trên xe lăn, đôi mắt ánh lên niềm vui và sự mãn nguyện của một đời người vươn lên không mệt mỏi.
Căn bệnh suy tủy xương đã cướp đi người mẹ của Minh Thuận khi cô mới 5 tuổi. Khi ấy, cô và người chị gái đã có dấu hiệu di truyền từ căn bệnh của mẹ. Cha cô tìm đủ phương sách để chữa bệnh cho con nhưng mọi cố gắng đều vô vọng, chân tay cô tật nguyền. Tuy không thể đến trường như các bạn cùng trang lứa, nhưng cô bé Thuận rất ham học. Cô xin bố dạy chữ cho mình. Bao lần cô òa khóc vì đôi bàn tay co quắp không thể cầm nổi cây bút. Thương con phải chịu nhiều đau đớn trong mỗi lần luyện chữ, bố cô đã nhiều lần giấu cây bút đi nhưng bé Thuận lại đòi bằng được và kiên trì khổ luyện. Cô nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên khi cầm cây bút trên tay vẽ được những nét chữ nguệch ngoạc, hai bố con cô đã ôm nhau khóc vì sung sướng… Bố cô cũng chỉ hy vọng dạy cho cô biết chữ như là tạo một niềm vui cho con. Ông cũng không ngờ được những gì mà sau này con gái mình làm được.
Tự học hết chương trình cấp một, cô theo các bạn tới trường từ cấp hai. Ngày ấy ai cũng cảm phục và xót thương cho cảnh bố cô - ông giáo nghèo cõng đứa con gái tật nguyền đến lớp. Thầy cô và bạn bè đều mến phục bé Thuận về nghị lực, tinh thần lạc quan và sự thông minh vốn có. Những bài thơ đầu tiên của cô được đăng báo khi cô mới 10 tuổi. Niềm động viên to lớn đó đã khuyến khích cô rất nhiều, là động lực cho cô hăng say sáng tác. Đến nay, cô Thuận đã xuất bản 4 tập thơ và một tập truyện ngắn với bút danh Minh Thuận.
Tuổi học trò qua đi với nhiều kỷ niệm cũng là lúc Minh Thuận ý thức hết hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình. Viết văn chỉ là nguồn động viên tinh thần chứ không giúp được gì nhiều về kinh tế cho bố. Cùng lúc đó, gia đình cô nhận được tin từ chiến trường báo về. Giấy báo tử của người anh trai như tiếng sét giáng xuống cả gia đình. Bố cô bị suy sụp hoàn toàn. Gia đình lâm vào cảnh khó khăn, bi đát vô cùng. Thương cha, hàng đêm, bên trang viết cô trằn trọc suy nghĩ làm sao để có một nghề tự trang trải cuộc sống.
Năm 1986, ý tưởng kinh doanh đã lóe lên trong truyện ngắn “Một quãng đường làng” của cô. Cô quyết định biến ý tưởng ấy thành hiện thực. Đất mở cửa hàng là do cô mượn của hợp tác xã. Tiếng là mở cửa hàng, nhưng vốn liếng của cô cũng chỉ độc vài chục đồng bạc và một đàn gà mẹ con đem ra chợ bán. Ngày khai trương quán, bố cô đặt lên sạp hàng một sấp vở ô li, dăm bộ bút chì thước kẻ, vài hộp mực, ít cái kẹp tóc, ít đồ chơi cho trẻ. Chỉ vậy thôi mà cái quán nhỏ của cô lúc nào cũng tấp nập. Người đến mua hàng, người vào đọc sách và cả người muốn “chiêm ngưỡng” cô chủ quán tật nguyền nhưng nghị lực. Khách đến mua hàng bất kể là lạ hay quen đều tự lấy, tự cân đong đo đếm, cô chỉ việc thu tiền và vào sổ. Dần dần cửa hàng trở thành nguồn thu nhập chính nuôi sống cô và gia đình.
Công việc bán hàng đem lại nguồn kinh tế và cũng giúp cô có nhiều hơn vốn sống dành cho những trang viết. Năm 2003, cô được Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh tế - xã hội”. Cô cười mãn nguyện và bộc bạch: “Cuộc sống đơn giản phải có niềm tin mới chiến thắng được”. Cô tâm sự: “Ước ao lớn nhất của cô bây giờ là có sức khỏe để viết, mong đáp lại những tình cảm mà bạn bè, người thân đã dành cho cô”. Hiện nay, cô đang làm chủ nhiệm câu lạc bộ thơ Thi An, tập hợp hội viên của huyện Kiến Xương về sinh hoạt. Cô cũng là hội viên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Từ đôi bàn tay tật nguyền, cố gắng mãi mới cầm nổi cây bút, nhưng giờ cô đã hoàn thành được năm tập thơ, một tập truyện ngắn cùng nhiều vở chèo được dàn dựng và trình diễn. Căn bệnh quái ác đã không chiến thắng được cô, cô là người đầu tiên ở làng Vũ An vượt qua số phận và thành đạt qua công việc kinh doanh buôn bán.
Theo Nguyễn Thị Dịu – Văn phòng TW Hội