Tại Diễn đàn Phụ nữ Á – Âu lần 2, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, đã nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ và khẳng định sẽ song hành cùng các nước để thực hiện mục tiêu bảo vệ và nâng cao vai trò của phụ nữ trên thế giới.
Ngày 21/9, Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ hai tại Saint Petersburg kết thúc sau hai ngày làm việc tích cực.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã thông qua Văn kiện về kết quả Diễn đàn với một số nội dung chính, trong đó khẳng định Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu là diễn đàn đối thoại quốc tế mang tính đại diện và thực tế, đóng góp quan trọng vào việc đoàn kết phụ nữ thế giới vì mục tiêu xây dựng một tương lai ổn định và an toàn.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Phiên họp toàn thể Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ hai, tại Saint Petersburg, LB Nga.
Hội nghị cũng nhận định về những thách thức như sự bất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, nguy cơ khủng bố quốc tế, các cuộc xung đột khu vực và quốc tế, biến đổi khí hậu toàn cầu, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch... làm thế giới suy yếu và dễ bị tổn thương, tác động không nhỏ đến phụ nữ.
Đồng thời, hội nghị cũng khẳng định quyết tâm tiếp tục đấu tranh cho bình đẳng nam-nữ như là một phần không thể tách rời khỏi các quyền và tự do cơ bản của con người, bảo đảm cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng và đầy đủ các nguồn lực kinh tế, mở rộng cơ hội cho phụ nữ thông qua hợp tác quốc tế.
Văn kiện được thông qua tại hội nghị cũng xác định mục tiêu đạt tỷ lệ cân bằng giữa nữ giới và nam giới tại các cơ quan lập pháp của các nước trên thế giới vào năm 2030 (hiện tỷ lệ trên là 1/5); Kêu gọi các quốc gia, tổ chức và cộng đồng quốc tế hoàn thiện các cơ chế pháp lý, soạn thảo và thúc đẩy các chương trình, chiến lược quốc gia nhằm xóa bỏ những trở ngại đối với phụ nữ, nhất là trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, ngoại giao, kinh doanh, bảo đảm sự tham gia đầy đủ và thực sự bình đẳng của phụ nữ vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin với các đại biểu
Nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ vượt ra khỏi biên giới quốc gia, Văn kiện ủng hộ sự tham gia rộng rãi hơn của phụ nữ vào các hoạt động ngoại giao, các định chế quản trị toàn cầu cũng như tham gia tích cực trong triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ các cơ chế liên kết toàn cầu và khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS, APEC, G20, Nhóm 20 của phụ nữ (W20); hoan nghênh việc ký Tuyên bố về dự định thành lập Hội các nữ lãnh đạo địa phương Á-Âu; kêu gọi thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong đối thoại liên tôn giáo và liên sắc tộc.
Văn kiện ấn định sẽ tổ chức Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ ba vào năm 2021 và tính tới vai trò của Diễn đàn cũng như việc mở rộng phạm vi địa lý, sẽ đổi tên Diễn đàn thành Đại hội Phụ nữ quốc tế.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia tích cực và đóng góp vào thành công của Diễn đàn với 3 tham luận và nhiều hoạt động chung khác.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, khẳng định sẽ song hành cùng các nước để thực hiện mục tiêu cao đẹp của Diễn đàn là bảo vệ và nâng cao vai trò của phụ nữ trên thế giới.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cũng trình bày tham luận tại một số phiên họp chuyên đề của diễn đàn.
Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (giữa) phát biểu tại phiên họp “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng”
Trong bài phát biểu tại phiên họp “Phụ nữ vì sự phát triển kinh tế cân bằng”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, nền kinh tế cân bằng chỉ có được khi có sự tham gia đầy đủ, bình đẳng cả của nam và nữ; đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết ưu tiên nguồn lực để thu hẹp khoảng cách về giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, để tăng trưởng bền vững, xây dựng nền kinh tế phát triển cân bằng, mỗi quốc gia cần quan tâm đến việc xây dựng các chính sách thúc đẩy sự tham gia trực tiếp của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế; đồng thời đảm bảo sự công bằng cho phụ nữ trong thụ hưởng thông qua việc phân phối lại thành quả do tăng trưởng kinh tế mang lại. Đặc biệt, trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, các quốc gia cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường việc làm linh hoạt thông qua ứng dụng mạng...
* Trong thời gian tham dự Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước đã tiếp xúc với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, gặp làm việc với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Matvienko, Thống đốc Saint Petersburg G.Poltavchenko...
Các nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ chia buồn sâu sắc tại Diễn đàn cũng như trong tiếp xúc riêng về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời; khẳng định coi trọng và sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Bên lề Diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã có các cuộc gặp với Trưởng đoàn một số nước đối tác truyền thống của Việt Nam tham dự Diễn đàn như Chủ tịch Quốc hội các nước Serbia, Lào và Phó Chủ tịch Quốc hội các nước Cuba, Armenia, Hungary.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp xúc với Đoàn đại biểu Armenia bên lề Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ hai
Chiều 21/9, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á-Âu lần thứ hai.
PNVN