Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, số 52/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 25-11-2019. Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, trong đó, một số quy định về viên chức được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, từ ngày 1-7-2020, Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập đối với từng lĩnh vực sự nghiệp; việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp, trừ đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế và giáo dục; chế độ quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Về các loại hợp đồng, Luật quy định không ký hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức, trừ một số trường hợp: viên chức được tuyển dụng trước thời gian này; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định; người được tuyển dụng làm viên chức tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Việc đánh giá viên chức cũng được Luật quy định rất chi tiết như xem xét chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức; việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
Luật sửa đổi đã quy định thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức là thời hạn mà khi hết thời hạn đó viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định 2 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định trên. Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Việc áp dụng quy định của Luật Viên chức đối với các đối tượng khác được quy định cụ thể như sau: Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Viên chức đối với người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Chính phủ quy định việc xử lý kỷ luật đối với viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Việc xử lý kỷ luật đối với viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 1-7-2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.
H.Y (Tổng hợp)