Nhờ có hệ thống đê bao, thủy lợi khá đảm bảo, bà con ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã tận dụng lợi thế này để be bờ trồng hoa màu cho hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình vào mùa nước lũ.
Với diện tích hơn 2,5 công đất ruộng, gia đình anh Nguyễn Hữu Tài ở ấp Tân An, xã Thạnh Lộc đã be bờ, lên liếp trồng dưa leo. Nhờ chọn giống tốt, am hiểu kỹ thuật canh tác và thời tiết thuận lợi nên ruộng dưa phát triển tốt, cho trái nhiều. Hiện tại ruộng dưa leo đã cho thu hoạch, mỗi ngày gia đình anh thu hái từ 800 - 900kg, thương lái đến tận nơi thu mua với giá 6.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình anh Tài thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Anh Tài cho biết: "Do ít đất sản xuất nên tôi chuyển hết diện tích đất sang chuyên canh hoa màu để có thu nhập cao hơn. Với sản lượng thu hoạch mỗi ngày và mức giá như hiện nay, đến cuối vụ trừ hết chi phí gia đình tôi chắc kiếm được 50 - 60 triệu đồng".
Dưa leo được tập kết chờ thương lái đến thu mua.
Cũng với 2 công đất sản xuất của gia đình, để tăng thêm thu nhập anh Đặng Văn Giữ ở ấp Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển từ trồng lúa sang chuyên canh hoa màu. Mùa lũ năm trước cũng với 2 công bắp gia đình anh bán cho thương lái được 16 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được gần chục triệu đồng. Hiện tại 2 công bắp của gia đình anh được hơn 1 tháng tuổi đang vào đợt bón thúc và đang phát triển xanh tốt, dự kiến khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Anh Giữ nói: "Trồng hoa màu hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, nhất là vào mùa nước nổi giá cả luôn ở mức cao và ổn định lại rất dễ tiêu thụ, chỉ cần đến ngày thu hoạch thương lái đến tận nơi thu mua".
Ở xã Thạnh Lộc, đối với những hộ ít đất sản xuất, để tăng thu nhập bà con chuyển sang chuyên canh hoặc luân canh hoa màu, hiện toàn xã có hơn 45ha hoa màu được trồng trên nền đất lúa hoặc tận dụng đất trống quanh nhà, bờ bao quanh ruộng để trồng dưa leo, bầu, bí, củ cải trắng… Theo bà con cho biết, trồng hoa màu vào mùa nước nổi không phải sợ "rớt giá" nhưng phải giữ được mặt ruộng khô ráo, tránh để nước lũ rò rỉ hoặc mưa nhiều gây úng ngập. Hầu hết bà con đều chuẩn bị sẵn máy móc và thay phiên nhau túc trực để đề phòng sự cố. Anh Nguyễn Hữu Tài, cho biết thêm: "Để bảo vệ an toàn diện tích hoa màu của gia đình, tôi bố trí 2 máy bơm thay phiên nhau hoạt động liên tục, nhất là trong các đợt triều cường và những ngày mưa nhiều. Vì dưa leo rất "sợ" nước, chỉ cần nước đọng gốc là bị héo dây, hư hại hết".
Hiện tại nước lũ đang lên nhanh, các hộ trồng hoa màu ở xã Thạnh Lộc đang tích cực bồi đắp bờ đê, bơm rút nước bảo vệ diện tích hoa màu, xem như tài sản chính của gia đình. Ông Lê Thanh Tứ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, nói: "Mặc dù các hộ trồng hoa màu đều ý thức bảo vệ tài sản của gia đình, nhưng chúng tôi vẫn cử cán bộ khuyến nông phối hợp với các ban ngành đoàn thể xã và các ấp thường xuyên theo dõi mực nước lũ để thông báo kịp thời cũng như nhắc nhở bà con tôn cao bờ đê, dự phòng máy móc, phương tiện đảm bảo tiêu thoát nước khi cần thiết".
Bài, ảnh: Minh Hải