Chúng tôi hẹn gặp mấy lần không được, vì chị bận rộn chăm sóc ruộng dưa vừa xuống giống. Lần gặp gần đây chị đang làm vần công cho chị em bạn trong xóm. Tranh thủ trò chuyện trong thời gian giải lao, chúng tôi thêm quý mến nghị lực vượt khó, vươn lên từ sự cần lao của chị Nguyễn Thị Út Nhỏ (khu vực 2, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng).
Bận rộn chăm sóc dưa hấu, chị Út Nhỏ vẫn dành thời gian quán xuyến việc nhà cửa.
Xuất thân trong gia đình nghèo, đông chị em nên chị Út Nhỏ học đến lớp 7 thì nghỉ, ở nhà phụ cha mẹ làm ruộng, đi làm mướn kiếm sống.
Năm 21 tuổi, chị Út Nhỏ lập gia đình với anh Huỳnh Văn Nang, lần lượt sinh con gái và con trai. Hằng ngày, ngoài quán xuyến việc nhà cửa, bếp núc, chị phụ giúp chồng làm 2 công ruộng; tận dụng bờ, mướn thêm đất của người anh trồng rẫy. Tranh thủ thời gian nông nhàn, anh chị thay phiên nhau đi làm mướn để có thêm thu nhập.
Chị Út Nhỏ nói: “Tuy làm lụng cực nhọc, vất vả từ nhỏ nhưng tôi thấy vui vì có tiền phụ giúp cha mẹ. Đến khi lập gia đình, tôi luôn tự nhủ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế để các con có cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn”.
Khoảng năm 2010, khi tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, chị Út Nhỏ được Hội giới thiệu vay vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất. Lúc đầu, được vay 5 triệu đồng, vợ chồng chị Út Nhỏ trồng thêm rẫy, vừa gói ghém trang trải chi tiêu, vừa tích lũy vốn.
Năm 2013, gia đình chị được xét vào diện cận nghèo và tiếp tục được giới thiệu vay 40 triệu đồng các nguồn vốn để đầu tư sản xuất. Thấy bà con xung quanh trồng dưa hấu đạt lợi nhuận khá, sau khi bàn bạc, lên kế hoạch, vợ chồng chị mạnh dạn mướn 8 công đất (giá 1,5 triệu đồng/công/năm) trồng dưa hấu.
Vốn con nhà nông, anh chị vận dụng một số kinh nghiệm trong chọn giống; học hỏi và tiếp thu nhanh cách làm của bà con xung quanh. Thành công vụ dưa đầu tiên là động lực giúp anh chị tiếp tục đầu tư mùa vụ kế tiếp.
Chị Út Nhỏ bộc bạch: “Là hội viên nông dân, ông xã tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, học hỏi anh em và truyền đạt cho tôi. Nhờ vậy, tôi biết cách chọn hạt giống, bón phân, thuốc đúng thời điểm, vừa tiết kiệm chi phí vừa đạt năng suất cao”. Mỗi năm, anh chị thu hoạch 4 vụ, sau khi trừ các chi phí, chị Út Nhỏ có lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng/vụ.
Năm 2014, Hội Nông dân hỗ trợ tôn lợp nhà, chị Út Nhỏ dành 30 triệu đồng sửa chữa căn nhà khang trang hơn. Năm 2015, chị tiếp tục đầu tư thêm tiền cơi nới, nâng cấp phần nhà sau.
Chị Út Nhỏ cho biết thêm, 2 năm nay, chị “đón đầu” gieo trồng vụ dưa hấu bán Tết, đạt năng suất cao, lợi nhuận đáng kể. Hiện vợ chồng chị trồng 11,5 công dưa hấu nên bận rộn suốt ngày, có khi đến chạng vạng tối mới về đến nhà.
Để tiết kiệm chi phí mướn nhân công, vợ chồng chị Út Nhỏ tận dụng thời gian rảnh sang ruộng dưa hàng xóm, bạn bè làm vần công, vừa có thể cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng dưa hiệu quả.
Chị Út Nhỏ vui vẻ nói: “Kinh tế gia đình tôi hiện ổn định. Con gái lớn đã lập gia đình, con trai út khôn lớn, biết ra ruộng dưa phụ giúp nhưng tôi động viên cháu cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Tôi mãn nguyện và hạnh phúc với thành quả có được nhờ cả nhà chung sức và sự hỗ trợ của đoàn thể địa phương”.
Cuối năm 2016, gia đình chị Út Nhỏ được xét thoát cận nghèo và tiếp tục được vay thêm 20 triệu đồng vốn để mở rộng sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Minh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực 2, nói: “Vài năm trở lại đây, gia đình Út Nhỏ là một trong nhiều gia đình trong khu vực chọn mưu sinh với nghề trồng dưa hấu, từng bước vượt khó, vươn lên. Chị em thường nói với nhau, Út Nhỏ “mát tay”, vụ dưa nào cũng trúng mùa, được giá. Tuy nhiên, cốt lõi là do vợ chồng Út Nhỏ đồng tâm hiệp lực, chịu khó làm ăn, tích lũy kinh nghiệm mới có thành quả hôm nay”.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG