Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trên thị trường lao động, phụ nữ vẫn thiệt thòi hơn nam giới

12:08 - 14/03/2018

Báo cáo “Triển vọng việc làm và xã hội thế giới – Xu hướng cho phụ nữ” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho thấy, hiện vẫn tồn tại khoảng cách về giới trong cả vấn đề tiếp cận thị trường lao động, tiền lương và chất lượng việc làm.

Theo Báo cáo Điều tra Lao động Việc làm quốc gia mới nhất (2016), tỷ lệ nữ giới tại Việt Nam có việc làm thấp hơn 9% so với nam giới (71% so với 80,6%). Ở cấp quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới khá tương đồng so với nam giới, duy trì ở mức thấp 2,2% (so với tỷ lệ 2,4% của nam giới), trong đó mức độ thất nghiệp của phụ nữ trẻ hiện cao hơn không đáng kể so với nam giới (lần lượt là 7,5% và 7,38%).

Mặc dù vậy, khoảng cách về giới lại đặc biệt rõ nét khi xét về khía cạnh loại hình công việc. Tình trạng nhiều phụ nữ phải làm những công việc dễ bị tổn thương (thường không ổn định và ít có bảo hiểm xã hội) hơn so với nam giới đã tồn tại từ nhiều năm trước, cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện. Đặc biệt, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương ở nữ giới cao hơn nam giới tới 12,4%.

Một thực trạng đáng lo ngại khác là hiện giờ, nhiều phụ nữ ở Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khoảng cách đáng kể về chất lượng việc làm. Đơn cử như phụ nữ làm lao động gia đình vẫn cao gấp đôi so với nam giới. Mặc dù họ vẫn tham gia công việc kinh doanh gia đình theo định hướng thị trường, nhưng thường phải đối diện với những điều kiện làm việc dễ bị tổn thương, không có hợp đồng bằng văn bản, thiếu sự tôn trọng pháp luật lao động và không có các thỏa ước lao động tập thể.

Chất lượng việc làm của lao động nữ hiện thấp hơn so với nam giới

Trong nhóm lao động làm công ăn lương, thu nhập từ việc làm hàng tháng trung bình của nam giới cao hơn phụ nữ 10,7% (5,3 triệu đồng so với 4,7 triệu đồng).

Tuy nhiên, nếu so với cục diện chung trên thế giới thì tình hình ở Việt Nam được đánh giá là đang có sự cải thiện. Đối với các nước, đặc biệt các nước mới nổi, tỷ lệ phụ nữ tham gia làm công việc gia đình đã giảm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao ở các nước đang phát triển - ở mức 42% trong tổng số việc làm của phụ nữ năm 2018, so với mức 20% trong tổng số việc làm của nam giới; số lượng nam giới làm việc ở vị trí người sử dụng lao động cao gấp 4 lần phụ nữ trên toàn cầu. Dự báo đến năm 2021, vấn đề này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Cũng theo báo cáo này, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trên toàn cầu hiện ở mức 48,5%, thấp hơn 26,5 điểm phần trăm so với nam giới. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu của phụ nữ là 6%, cao hơn tỷ lệ này của nam giới khoảng 0,8 điểm phần trăm. Kết quả trên tương đương với chỉ có 6 lao động nữ trên 10 lao động nam có việc làm. 

Bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc ILO phụ trách chính sách, dự báo: “Triển vọng về việc làm của phụ nữ còn rất lâu mới có thể bình đẳng so với nam giới dù cho đã đạt được nhiều tiến bộ và có nhiều cam kết cải thiện hơn nữa tình trạng này”. 

Còn theo đánh giá của ông Damian Grimshaw, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của ILO, thì “Những thách thức và trở ngại dai dẳng đối với phụ nữ sẽ làm giảm khả năng các xã hội xây dựng lộ trình tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển xã hội. Do đó, xóa bỏ khoảng cách giới trong thế giới việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030”.

Theo http://phunuvietnam.vn

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68317

Hôm nay:
9
Tháng này:
792
Tổng lượt truy cập:
68317