Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp về “Tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020” – Chương trình số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN, ngày 03/11/2017 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam- Hội LHPN Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng 30/11/2020.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cùng các đại biểu tham quan các sản phẩm an toàn do hội viên Hội Nông dân và Hội LHPN Việt Nam sản xuất, kinh doanh được trưng bày trong khuôn khổ Hội nghị
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định chủ trì hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định khẳng định ý nghĩa quan trọng của Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá lại những kết quả đạt được trong 3 năm triển khai Chương trình phối hợp; chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm, mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả cũng như những vấn đề còn tồn tại, thách thức để từ đó thảo luận và đề ra các giải pháp chất lượng nhằm duy trì, phát huy các kết quả, đưa các mô hình về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn giai đoạn tới đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về tiêu chuẩn sản xuất, tiêu dùng trong nước tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định khai mạc Hội nghị
Những kết quả nổi bật qua 3 năm thực hiện Chương trình phối hợp
Báo cáo tổng kết tại hội nghị nêu rõ, 3 năm qua, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tổ chức triển khai Chương trình tại các Bộ, các cấp Hội từ TW đến địa phương, tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, nguồn lực để công tác triển khai chương trình đạt nhiều kết quả. Qua đó đã góp phần quan trọng trong nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; thôi thúc hội viên cách thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ mới, liên kết tạo ra sản phẩm an toàn, phát triển bền vững ngành nghề; tự ý thức nâng cao trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật, quy trình sản xuất nông sản an toàn vì sức khỏe của bản thân và công đồng, đóng góp tích cực vào áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, bền vững. Tính đến tháng 10/2020, việc ứng dụng VietGAP và tương đương tăng lên 170 nghìn ha (gấp 4,4 lần so với năm 2019); diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP và tương đương là trên 6 nghìn ha (tăng gấp 1,2 lần năm 2019); phát triển được 1636 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc (tăng 122 chuỗi so với cuối 2019).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định chủ trì hội nghị.
Hội LHPN Việt Nam tích cực, sáng tạo trong triển khai Chương trình gắn với chủ đề An toàn cho phụ nữ, trẻ em
Trong quá trình triển khai Chương trình phối hợp, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực chỉ đạo thực hiện gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Đặc biệt, TW Hội LHPN Việt Nam đã chọn chủ đề năm là “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm” (2018) và “An toàn cho phụ nữ, trẻ em” (2019,2020), trong đó nội dung an toàn thực phẩm được xác định là nội dung rất quan trọng, đưa vào tiêu chí 3 sạch của cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch (Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) và thực hiện tiêu chí 17 Xây dựng nông thôn mới về môi trường và an toàn thực phẩm.
Hội đã tổ chức được trên 10 nghìn hội nghị, tập huấn, tọa đàm... cho trên 5 nghìn lượt hội viên; Xây dựng trên 3 nghìn phóng sự, clip truyền thông; treo, phát gần 2,5 nghìn băng zôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi, phát trên 750 nghìn lượt tin; tuyên truyền cho gần 20 triệu hội viên. Các hình thức tuyên truyền của Hội có nhiều sự sáng tạo, kết hợp cả tuyên truyền theo kênh truyền thống (như các buổi sinh hoạt viên, các sự kiện truyền thông), đồng thời đẩy mạnh ứng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền (như qua Cổng thông tin điện tử, Zalo, Facebook, các video clip), đặc biệt là chú trọng truyền thông theo đối tượng như phụ nữ tiểu thương, phụ nữ nông dân, phụ nữ nuôi trồng thủy sản, phụ nữ dân tộc thiểu số.... Các hoạt động tuyên truyền được gắn với vận động phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm an toàn của viên Hội LHPN tỉnh Nghệ An
Nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, hỗ trợ vốn, kiến thức được các cấp Hội tổ chức, qua đó hỗ trợ xây dựng 2.379 mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 720 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu nông sản an toàn. Trong đó nhiều mô hình hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, thu hút được sự tham gia của đông đảo hội viên phụ nữ. Từ mô hình tuyên truyền vận động “Chi hội phụ nữ tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn” tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Bình Phước...; mô hình truyền thông “Chiếc thớt an toàn thực phẩm” tại Bình Dương, đến mô hình sản xuất nông sản thực phẩm an toàn (như các mô hình HTX rau an toàn Ba Chữ, Hà Nội; HTX nông nghiệp Từ Tâm - Bắc Giang; HTX tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ - Nghệ An; các HTX, tổ hợp tác PN sản xuất sạch ở khắp các tỉnh trong toàn quốc....), mô hình kinh doanh sản phẩm an toàn (như Tuyến phố kinh doanh thực phẩm an toàn của Phụ nữ Hà Nội; Mô hình kinh doanh an toàn của Phụ nữ chợ Đông Ba - Huế; các cửa hàng Phụ nữ tin dùng ở nhiều tỉnh...)
Rau an toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của hội viên, phụ nữ
Song song với các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, công tác kiểm tra, giám sát, đề xuất xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn, kịp thời biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến được đẩy mạnh. Các cấp Hội đã triển khai giám sát tại 19 tỉnh, thành phố, 9.588 cơ sở, qua đó đã giúp phát hiện các sai phạm cũng như hướng dẫn các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm thực hiện đúng các quy định của Luật An toàn thực phẩm, kiến nghị với các ngành chức năng những giải pháp cụ thể để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương. Đặc biệt, các mô hình giám sát cộng đồng như chi hội phụ nữ tự quản về ATTP (Thanh Hóa), tổ phụ nữ vận động, giám sát về ATTP (Hưng Yên, Cà Mau, Tây Ninh....)... đã hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về giám sát, phát hiện, phản ánh về các hành vi vi phạm quy định về ATTP.
3 năm qua, đã có hơn 12 nghìn điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm được các cấp Hội tuyên truyền, biểu dương; 30 tỉnh, thành Hội, 216 tập thể cấp huyện, 1.279 tập thể cấp cơ sở, 212 cá nhân có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen trong công tác Hội với chủ đề trọng tâm “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”.
Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, các mô hình nổi bật của hội viên, Hội LHPN, Hội Nông dân các tỉnh, thành trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Các đại biểu tham dự hội nghị xem clip của Hội LHPN Việt Nam về công tác triển khai Chương trình phối hợp
Vẫn còn đó những khó khăn, trăn trở
Phát biểu Hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương đã thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục. Đó là: Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại của người dân; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của một số người dân/cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh còn hạn chế; Thiên tai, bão lũ, dịch bệnh xảy ra hàng năm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, gây khó khăn cho việc duy trì, phát triển bền vững các mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chia sẻ những vấn đề còn thách thức, khó khăn trong thực hiện Chương trình phối hợp và trong công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn
Phó Chủ tịch Hội thẳng thắn: Mặc dù trong “Chương trình nêu rõ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố bố trí kinh phí và tạo điều kiện thực hiện nội dung Chương trình này đến cấp xã và khu dân cư” nhưng một số nơi chưa có sự quan tâm đúng mức của UBND, các cấp Hội địa phương còn gặp khó khăn về nguồn lực do đó việc hỗ trợ phụ nữ xây dựng các mô hình chuỗi sản xuất kinh doanh có áp dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn (Vietgap, Global gap) và quy mô lớn chưa nhiều, mới chủ yếu là các mô hình tổ, nhóm nhỏ lẻ và một số HTX; việc hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn tản mạn, chưa thành hệ thống.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm qua hệ thống bình chọn “sản phẩm được phụ nữ tin dùng" do Hội thiết lập; Tích cực tham gia giám sát về an toàn thực phẩm, phát hiện, phản ánh về các trường hợp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm không an toàn.
Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cũng đưa ra đề xuất của Hội LHPN Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn tiếp theo với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam, đặt ra những mục tiêu cao hơn, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế, gia tăng sản xuất chế biến, phát triển thị trường, góp phần phát triển bền vững.
Đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về ATTP; xử lý nghiêm minh và công khai địa chỉ, thông tin đối với các cá nhân và cơ sở vi phạm quy định về ATTP. Tăng cường cơ chế giám sát cộng đồng, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về các hành vi, các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tăng cường giới thiệu các sản phẩm đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, hỗ trợ kết nối để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
TTTT