Theo số liệu của UNESCO, các em khuyết tật có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại thể chất, tinh thần và thậm chí là tình dục cao gấp 4 lần so với bạn bè khỏe mạnh cùng trang lứa.
Vừa qua, các bố mẹ có con bị khiếm thính cùng giáo viên dạy trẻ khuyết tật đã cùng nhau tham gia một buổi tập huấn kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Đây là hoạt động do các bạn trẻ trong nhóm Kid+ tổ chức, nhằm giúp các các bậc cha mẹ, giáo viên có thêm kiến thức để hướng dẫn, giúp đỡ trẻ tự bảo vệ bản thân.
Lầm tưởng giữa trêu đùa với xâm hại
Mở đầu buổi tập huấn, Nguyễn Thị Trang, phụ trách dự án đã chia các cha mẹ, giáo viên thành 5 nhóm để cùng thảo luận với những chủ đề khác nhau như nhận diện các hành vi được coi là xâm hại tình dục; những trẻ nào có nguy cơ bị xâm hại tình dục; cha mẹ cần làm gì để giúp cho trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục; hậu quả của xâm hại tình dục lên trẻ...
Chị Nga, mẹ của một bé trai bị khiếm thính cho rằng: “Tất cả trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, những trẻ có nguy cơ bị cao hơn có thể kể tới là trẻ khuyết tật, đặc biệt trẻ khiếm thính; trẻ thiếu sự quan tâm của gia đình; trẻ thiếu kiến thức về xâm hại tình dục...”.
Trong khi đó, chị Loan, một bà mẹ khác chia sẻ: Các hành vi như động chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể trẻ (bộ phận sinh dục, ngực, mông, hậu môn...) đều là xâm hại tình dục. “Tôi biết, có nhiều bố mẹ, ông bà thường “sờ chim” trẻ trai và coi đó là cử chỉ trêu đùa âu yếm. Đây chính là hành vi xâm hại tình dục trẻ và nếu lặp lại nhiều lần, có thể khiến trẻ nghĩ rằng, việc bị sờ mó vào bộ phận sinh dục là bình thường”.
Ngoài những kiến thức chung, các bà mẹ có con bị khiếm thính còn có những lo lắng riêng. Bởi các bé bị khiếm thính không nghe được nên việc tiếp nhận kiến thức về phòng chống xâm hại tình dục bị hạn chế. Ngoài ra, khi bị xâm hại, các con cũng không thể kêu để gọi người tới cứu mình.
Không vì khó mà...bó tay
Trước những băn khoăn của các bậc phụ huynh, chị Nguyễn Thị Trang cho rằng, đúng là trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ khiếm thính dễ bị xâm hại tình dục hơn trẻ khác. Theo số liệu của UNESCO, các em khuyết tật có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của xâm hại thể chất, tinh thần và thậm chí là tình dục cao gấp 4 lần so với bạn bè khỏe mạnh cùng trang lứa.
Một tiết học của nhóm và cô giáo dạy trẻ đặc biệt Ảnh: NVCC
Việc trang bị kiến thức về xâm hại tình dục cho trẻ khiếm thính cũng có nhiều khó khăn như có một số thuật ngữ như “gay”, “bóng”... còn khó diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu để trẻ hiểu. Nhiều trẻ cũng không hiểu được nghĩa bóng của từ nên dễ trở thành nạn nhân của kẻ biến thái. Thực tế đã có người làm nghề lái xe ôm rủ trẻ vào nhà nghỉ để quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, chị Trang cũng cho rằng, không phải vì những khó khăn đó mà chúng ta không trang bị cho trẻ kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục. Ngoài học bằng ngôn ngữ ký hiệu, trẻ khiếm thính có thể học bằng tranh, ảnh, video, hay qua chính hành động của cha mẹ hàng ngày như không đụng chạm vào chỗ kín của trẻ, để trẻ tự vệ sinh bộ phận sinh dục khi trẻ đã đủ lớn...
“Điều chúng tôi mừng là sau những buổi học như thế, nhiều trẻ và cha mẹ đã nhận thức đầy đủ hơn về nguy cơ, nhận thức được hành vi xâm hại và biết cách xử lý trước tình huống trẻ bị xâm hại”, chị Trang chia sẻ.
“Với trẻ yếu thế, khuyết tật, việc trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nhiều bé chậm phát triển trí tuệ, đôi khi, chỉ dạy cho các em hiểu người khác tự tiện ôm, hôn các em, sờ mó cơ thể các em... cũng phải nhắc đi nhắc lại mỗi ngày, kéo dài trong cả năm học. Như vậy, không chỉ bản thân trẻ mà giáo viên, cha mẹ - những người trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ mỗi ngày cũng cần được trang bị kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ”, chị Nguyễn Thị Trang, nhóm Kid +, khẳng định. |
Theo http://phunuvietnam.vn/Quỳnh Chi