Béo phì không chỉ ảnh hưởng sức khỏe gan ở người lớn mà còn với cả trẻ nhỏ - theo nghiên cứu của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Columbia (Mỹ).
Ảnh: NewsOnFloor
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là tình trạng mỡ tích tụ quá nhiều trong gan dẫn đến những tổn thương tương tự ở những người lạm dụng bia rượu. Căn bệnh chết người này không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi đã tiến triển nặng, gây tổn thương gan nghiêm trọng và dẫn tới ung thư gan.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã theo dõi nồng độ enzyme ALT trong gan ở 635 trẻ em. Kết quả cho thấy những trẻ béo bụng lúc 3 tuổi cũng như những em béo lên trong giai đoạn từ 3-8 tuổi đều gia tăng nồng độ ALT, chỉ dấu sinh học của NAFLD và những bệnh gan khác. So sánh cho thấy, khoảng 35% trẻ béo phì lúc 8 tuổi bị tăng nồng độ ALT, trong khi tỷ lệ ở những trẻ có cân nặng bình thường chỉ 20%. Các chuyên gia cho rằng phát hiện mới là lời cảnh báo để phụ huynh chú trọng giám sát tình trạng tăng cân quá mức ở trẻ nhỏ.
* Cũng liên quan đến sức khỏe trẻ nhỏ, nghiên cứu tại Đại học Melbourne (Úc) mới đây phát hiện trẻ em bị bệnh hen suyễn có nguy cơ cao bị gãy xương, đặc biệt là các bé trai.
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia đã đánh giá mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn với sức khỏe xương của hơn 16.000 trẻ em từ 3 -13 tuổi. Họ nhận thấy những bé trai bị hen suyễn mức độ vừa tới nặng có nguy cơ bị gãy xương cao hơn 30% so với bạn đồng lứa không bị bệnh này. Tuy nhiên, nguy cơ này ít xảy ra ở bé gái do ít tham gia các hoạt động nguy hiểm như leo trèo, chạy, nhảy.
Nhóm nghiên cứu lý giải rằng hen suyễn là một bệnh viêm mãn tính có thể làm yếu xương do cản trở cơ chế hình thành và củng cố xương. Vì vậy, họ khuyến cáo phụ huynh vẫn khuyến khích các bé tập thể dục để cải thiện sức khỏe nhưng phải cẩn trọng trong lúc vận động để tránh nguy cơ gãy xương.
AN NHIÊN (Theo Daily Mail, ANI)