Nhiều người dân xã Trường Long, huyện Phong Điền còn bàng hoàng thương cảm trước tai nạn đuối nước vừa xảy ra khiến hai bé gái là chị em ruột tử vong. Tai nạn thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh quan tâm hơn đối với con trẻ, tránh các tai nạn thương tích tuổi học đường, nhất là với nguy cơ chết đuối.
Dịp đến xã Trường Long công tác, cán bộ Hội LHPN xã kể chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng vừa xảy ra tại xã. Vợ chồng chị Dương Thị A. (ở ấp Trường Phú 2) không có đất sản xuất, gia cảnh khó khăn, người chồng phải lên TP Hồ Chí Minh làm thuê mưu sinh. Chị A. biết nghề may vá, nhận may quần áo cho hàng xóm, có đồng ra, đồng vào. Các con của anh chị, bé lớn 8 tuổi, học lớp 3 và bé nhỏ 3 tuổi, biết nói chuyện rành rẽ. Vợ chồng sống xa nhau nhưng cuộc sống tạm ổn định, lâu lâu, chồng chị A. về thăm vợ và hai con. Anh dự tính, ráng làm vài năm, tích cóp một số vốn rồi về quê lập nghiệp, vợ chồng con cái sum vầy.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm cho trẻ học bơi. Ảnh: THU HẰNG
Xế chiều thứ bảy, bọn trẻ trong xóm nghỉ học (trong đó có 2 con gái của chị A.), rủ nhau chơi đùa, cười vang khoảng sân trước nhà chị A. Còn trong nhà, chị A. vẫn thoăn thoắt cắt may cho xong hai bộ đồ để giao cho khách theo lời hẹn. Bỗng hai con gái ríu rít gọi mẹ: "Mẹ ơi, cho tụi con xin 10 ngàn đồng mua kem ăn nghe". Sau khi được chị A. cho tiền hai đứa con chị dẫn nhau đi mua kem. Thường ngày, các con cũng hay chạy xe đạp đi mua mì gói hay mua hàng lặt vặt cho mẹ ở tiệm tạp hóa cách nhà chị vài căn nên chị không mấy quan tâm. Hơn nửa tiếng sau, thấy các con đi lâu nhưng chưa về, như có linh tính, chị A. bỏ dở việc cắt may, đi tìm các con. Chị đi đến tiệm tạp hóa, hỏi thăm mới biết hai con mua kem về lâu rồi. Chị bắt đầu chột dạ, lo lắng, đi khắp xóm tìm con, báo cho anh chị em hay để tìm giúp. Sau một hồi ghé từng nhà tìm, vẫn không thấy các con, chị A. cuống cuồng. Bỗng chú hàng xóm cho hay, chú vừa thoáng thấy vật gì nổi vật vờ dưới mé sông, cách nhà chị A. không xa nhưng chú không tìm hiểu… Lập tức, mọi người tập trung đến chỗ chú hàng xóm vừa nói, lặn xuống sông mò vớt… Một lúc sau, có người vớt được bé gái 3 tuổi cùng chiếc xe đạp. Một lúc sau nữa thì vớt được bé gái 8 tuổi, dạt xa bờ vài mét. Bà con xung quanh xúm đến hỗ trợ, nhanh chóng đưa hai bé đến cấp cứu tại trạm y tế xã nhưng đã quá muộn. Hai bé được chôn cất trong đêm, sau khi người cha đi làm xa vừa về đến, kịp nhìn mặt các con lần cuối. Người dân sống xung quanh khu vực đều đau lòng trước nỗi bất hạnh mất con của vợ chồng trẻ…
Những câu chuyện thương tâm liên quan tai nạn đuối nước vẫn xảy ra, để lại nỗi xót xa, tang thương đối với những bậc phụ huynh mất con vĩnh viễn. Câu chuyện như một hồi chuông cảnh tỉnh, để các bậc phụ huynh nói riêng, cộng đồng nói chung, quan tâm bảo vệ, giáo dục trẻ những kỹ năng cần thiết trong môi trường sống. Địa phương có nhiều kênh rạch, sông ngòi nhưng còn nhiều trẻ em chưa được dạy bơi để có thể thoát khỏi tình huống nguy hiểm khi lỡ rơi xuống nước. Nhiều bậc phụ huynh chưa chú trọng dạy bơi cho con trẻ, dù nhà ở gần sông. Qua khảo sát thực tế, nhiều trường học vùng nông thôn không quan tâm dạy môn bơi lội cho trẻ và cho rằng, hiện nay, học sinh đi lại bằng phương tiện xe máy, xe đạp, ít sử dụng xuồng ghe. Tuy nhiên, khi đi qua các bến phà, đò ngang, hay tham gia các hoạt động liên quan sông nước; khi trẻ không biết bơi, không có kỹ năng phản ứng, phải đối mặt nguy cơ đuối nước rất cao. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình cả nước có trên 6.000 người bị đuối nước, với hơn 3.500 trẻ bị chết đuối, nghĩa là khoảng 9 trẻ chết đuối/ngày. Những con số đó cũng là thông điệp gởi đến các bậc phụ huynh: Cho trẻ học bơi là điều cần thiết và chưa bao giờ muộn!
THU SƯƠNG