Tiếng nói cười rộn ràng từ các nhóm thành viên Tổ đan lục bình ở ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ càng làm không khí cuối năm nơi đây thêm náo nức. Gầy dựng từ năm 2007, Tổ đan lục bình là một trong rất nhiều “trái ngọt” của chương trình đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn tại TP Cần Thơ. Đồng hành và phát triển cùng công cuộc xây dựng thành phố, 15 năm qua, chương trình này đã góp phần thúc đẩy những vùng ngoại thành chuyển mình, khởi sắc.
Thành công từ những nỗ lực
Trong căn nhà tường khang trang vừa được xây dựng cách nay chừng 2 năm, chị Sơn Thị Lang dành một góc nhỏ trưng bày Bằng khen, Giấy khen. Đó là minh chứng cho quá trình nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế của chị. Xuất phát điểm là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, năm 2007, chị Lang được tham gia lớp ĐTN đan lục bình theo Đề án ĐTN cho lao động nông thôn. Với kỹ năng nghề thành thạo cùng sự nhạy bén, chị không những ứng dụng nghề thành công, mà còn giúp nhiều chị em dân tộc Khmer khác. Chị Lang tâm sự: “Khi học nghề, tôi quyết tâm phải sử dụng được nghề, cải thiện đời sống”.
Nghề đan lục bình đã và đang đem đến nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ dân tộc Khmer ở huyện Cờ Đỏ. Ảnh: MỸ TÚ
Hơn một năm sau học nghề, chị Lang được Hợp tác xã (HTX) Kim Hưng (quận Cái Răng) tin tưởng, giao làm đầu mối phân phối nguyên liệu và thu gom sản phẩm. Từ chỗ chỉ có gần 20 chị tham gia ban đầu, nay Tổ đan lục bình đã thu hút 130 chị em, trong đó, đa phần là phụ nữ dân tộc Khmer, với thu nhập trung bình 100.000-120.000 đồng/người/ngày. Giới thiệu với chúng tôi những chiếc giỏ thời trang tinh xảo được kết từ lục bình, chị Lang cho biết, đó là sản phẩm chị mới cho ra mắt trong năm 2018, được rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Trở lại xã Trường Long, huyện Phong Điền, tìm gặp bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc HTX Chanh không hạt, chúng tôi được nghe thêm câu chuyện về ứng dụng nghề đem lại thành công trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2009, bà Huệ đem 400 cây giống chanh không hạt về trồng trong vườn nhà. Nếu thời điểm đó, nhiều người còn nghi ngờ hiệu quả loại cây trồng này, thì giờ đây, HTX đã có 26 thành viên với tổng diện tích 15ha. Bà Huệ kể: “Niềm tin vào giống cây trồng này được củng cố từ năm 2015, khi lớp dạy nghề trồng chanh không hạt được mở tại địa phương, rồi thành lập HTX với cam kết bao tiêu sản phẩm của công ty TNHH The Fruit Republic (Hà Lan)”. Bà Huệ đang lên kế hoạch đề nghị các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ, mở lớp trồng chanh không hạt theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để giúp nông dân nâng giá trị loại nông sản này.
Nhiều lao động đang làm việc tại Công ty TNHH tư vấn dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy được giữ lại từ lớp đào tạo nghề may công nghiệp do công ty phối hợp với các ngành liên quan tổ chức. Ảnh: MỸ TÚ
Từ các lớp ĐTN cho lao động nông thôn, thành phố hiện duy trì 39 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm hiệu quả, như: may công nghiệp cung ứng lao động cho Nhà máy may Vinatex Cần Thơ (huyện Vĩnh Thạnh); may giày da cung ứng lao động Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (quận Cái Răng); đan đát cần xé, giỏ trồng hoa (huyện Thới Lai); đan giỏ dây nhựa (huyện Phong Điền và Thới Lai),…
Cộng đồng trách nhiệm
Theo từng giai đoạn, ĐTN cho lao động nông thôn dần chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có, sang đào tạo theo nhu cầu của lao động và định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đến đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và theo đặt hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2012, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án ĐTN cho lao động nông thôn Trung ương đề nghị UBND các tỉnh phê duyệt Đề án ĐTN của địa phương trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc: “Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học”.
Anh Trần Công Hào giới thiệu những giỏ đan từ dây nhựa. Ảnh: MỸ TÚ
Bà Huỳnh Thị Kiều Trinh, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Địa phương đang quan tâm, phát huy các mô hình việc làm phi nông nghiệp: đan cần xé, giỏ trồng hoa (HTX Quốc Noãn), chằm nón lá và đan giỏ dây nhựa (cơ sở Hồng Hào). Các mô hình việc làm này giúp giải quyết lao động nông nhàn rất hiệu quả, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ lao động bỏ địa phương đi làm ăn xa”. Anh Trần Công Hào, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng là người tiên phong tầm sư học nghề đan giỏ dây nhựa rồi tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mở lớp dạy nghề ở huyện Thới Lai. Sau đó, anh đứng lớp, tiếp tục dạy nghề cho hàng trăm lao động ở 7 quận, huyện khác. Anh lấy nhà làm cơ sở sản xuất. Anh Hào chia sẻ: “Từ chỗ chỉ mong muốn có nghề để tăng thêm thu nhập cho gia đình, được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình của chị Trinh, Bí thư Đảng ủy xã, tôi phát triển ý tưởng, mạnh dạn mở cơ sở sản xuất, nhận lao động gia công và bao tiêu sản phẩm. Tôi đang ấp ủ ước mơ đầu tư cơ sở vật chất sản xuất nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành sản phẩm, cải thiện mức phí gia công cho bà con, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa mô hình phát triển bền vững”.
Không chỉ phát triển mô hình việc làm tại địa phương, nhiều quận, huyện đẩy mạnh ký kết 3 bên, giữa địa phương, người lao động với doanh nghiệp sử dụng lao động, giúp nâng tỷ lệ giải quyết việc làm hiệu quả. Những ngày cuối năm, không khí lao động ở Công ty TNHH tư vấn dịch vụ thương mại sản xuất Đại Thành Huy, Khu Công nghiệp Trà Nóc thêm hối hả. Ông Lê Quang Chính, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính công ty, cho biết: “Chúng tôi liên kết với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Bình Thủy và các phường tổ chức dạy nghề cho lao động theo Đề án ĐTN cho lao động nông thôn được 4 năm nay, với tổng cộng 6 lớp, có trên 200 học viên. Các học viên được học nghề tại công ty với máy móc, nguyên vật liệu sẵn có… Trong thời gian học nghề, công ty hỗ trợ thêm chi phí học việc và một buổi ăn trưa cho học viên. Kết thúc khóa học, công ty tiếp nhận 100% học viên ở lại làm việc. Với cách làm này, địa phương giải quyết được việc làm hiệu quả, công ty có nguồn lao động tay nghề tốt, còn người lao động hoàn toàn yên tâm khi tham gia học nghề”.
* * *
Các đề án ĐTN cho lao động ngoại thành, ĐTN cho lao động nông thôn được triển khai tốt, giúp nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 17,55% vào cuối năm 2004 lên 56,5% vào cuối năm 2018. Các đề án còn góp phần làm chuyển biến tư tưởng một bộ phận lao động nông thôn, nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Đồng thời, cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp; giúp bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống một cách hiệu quả… "Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố sẽ tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục nghề đào tạo, định mức và các chính sách hỗ trợ học nghề theo Đề án ĐTN cho lao động nông thôn phù hợp giai đoạn 2019 - 2020. Xây dựng kế hoạch ĐTN cho lao động nông thôn từng năm với mục tiêu tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo giải quyết việc làm hiệu quả. Chúng tôi tin rằng công tác ĐTN cho lao động nông thôn tiếp tục góp phần cải thiện trình độ, tay nghề, nâng cao giá trị sức lao động người dân, đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ mới”- ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cho biết.
Từ 2004 đến 2010, thành phố thực hiện Đề án “ĐTN cho lao động ngoại thành giai đoạn 2002-2005”, tiếp đến là Đề án “ĐTN cho lao động ngoại thành và chiến sĩ lực lượng vũ trang xuất ngũ giai đoạn 2006-2010”. Giai đoạn này đã có gần 27.300 lao động được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Năm 2010, UBND thành phố phê duyệt Đề án “ĐTN cho lao động nông thôn TP Cần thơ đến năm 2020”. Từ 2011-2018, thành phố đã đào tạo sơ cấp nghề cho thêm 36.553 lao động theo đề án này.
MỸ TÚ