Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trao “cần câu” cho phụ nữ hồi hương

21:20 - 15/01/2019

Vì lý do nào đó, cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc không trọn vẹn, các chị trở về (với trường hợp đã từng di trú sang Hàn Quốc), hoặc ở lại quê hương (với trường hợp chưa di trú), làm lại cuộc sống mới. Bên cạnh sự động viên từ gia đình, những hoạt động đồng hành, hỗ trợ của Trung tâm Việt-Hàn chung tay chăm sóc, trong đó có khóa dạy nghề theo nguyện vọng, đã giúp các chị vơi đi nỗi lo lắng, băn khoăn trong hành trình hướng tới tương lai tốt đẹp.

Các học viên đang được hướng dẫn thực hành pha chế. 

Đã hơn 1 tháng nay, tại Trung tâm “Việt- Hàn chung tay chăm sóc” ở quận Cái Răng, cứ khoảng 17 giờ 30 các ngày chẵn trong tuần, lại rôm rả tiếng nói cười của học viên lớp nghề pha chế. Sau phần học lý thuyết, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các chị thực hành pha chế và trình bày thức uống một cách chuyên nghiệp. Chị Nguyễn Thị Thu Ngân, ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, học viên lớp nghề, phấn khởi cho biết: "Đến nay, giáo viên đã hướng dẫn chúng tôi pha chế gần 20 món thức uống gồm sinh tố, nước ép, yaourt trái cây, ca cao kem,.. Thầy hướng dẫn kỹ lưỡng, mỗi học viên đều được thực hành với nguyên liệu và dụng cụ rất đầy đủ, chu đáo. Không khí lớp học vui vẻ, thoải mái, các thành viên Trung tâm thân thiện, hòa đồng, cho chúng tôi cảm giác yên tâm và tin cậy". 

Năm 2015, tại hội nghị tổng kết chương trình giáo dục định hướng phụ nữ Việt Nam kết hôn di trú giai đoạn 3, nhiều đại biểu đã đề xuất cần triển khai thêm các chương trình hỗ trợ dành cho phụ nữ hồi hương và trẻ em Việt- Hàn. Trung tâm Chính sách Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc (KOCUN) và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ lập kế hoạch, triển khai dự án “Việt-Hàn chung tay chăm sóc” từ tháng 7-2016. Trong đó, hoạt động dạy nghề cho phụ nữ hồi hương được xem như một cách “trao cần câu” để các chị em thêm tự tin, tiếp tục tạo dựng cuộc sống tốt đẹp tại quê nhà. Vậy là, tại các buổi sinh hoạt cộng đồng đa văn hóa - nơi tập hợp sinh hoạt của hơn 100 thành viên là các chị em từng hoặc đang kết hôn với nam giới Hàn Quốc và con của họ - các chị em được trao đổi và ghi nhận về nhu cầu học nghề để hỗ trợ phù hợp.

Chị Đặng Phạm Khánh Hòa, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ, cho biết: "Trong hoạt động hỗ trợ dạy nghề cho đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, hiện có Dự án “Làm đẹp để sống - Sống để làm đẹp” do Công ty L’Oréal Việt Nam tài trợ, dạy nghề tạo mẫu tóc, chăm sóc da cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. KOCUN Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ tổ chức dạy nghề cho phụ nữ Việt Nam hồi hương sau kết hôn di trú với nam giới Hàn Quốc trong khuôn khổ Dự án “Việt- Hàn chung tay chăm sóc”. Đến nay, đã có 4 lớp dạy nghề dành cho cô dâu hồi hương được tổ chức với 27 học viên. Trong đó, có 2 lớp sơ cấp tin học, 1 lớp tin học nâng cao và 1 lớp pha chế. Dự kiến cuối tháng 1-2019, 2 đơn vị phối hợp khai giảng 2 lớp tin học sơ cấp và nâng cao cho 10 học viên.

Theo chị Nguyễn Thị Mộng Thu, đang học lớp pha chế, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, năm 2016, chị Thu trở về quê nhà ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ sau hơn 10 năm sống ở Hàn Quốc. Từ trước đến nay, chị Thu chưa từng học qua nghề gì, chủ yếu kiếm sống bằng những công việc lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh. Đang trong lúc chưa định hướng được tương lai, chị được giới thiệu đến tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Việt- Hàn chung tay chăm sóc. Chị Thu nói: "Tham gia sinh hoạt, tôi được các chị, các cô động viên, hỗ trợ học nghề pha chế. Sau khi hoàn thành lớp nghề, tôi sẽ cố gắng tận dụng tay nghề, mở cửa tiệm kinh doanh nước giải khát để có thu nhập tốt hơn". Dự định của chị Mộng Thu cũng là mục tiêu của nhiều học viên khác. Vì thế, các chị đến lớp rất đều, rất nỗ lực trong học tập.

Trao đổi với chúng tôi, chị Đặng Phạm Khánh Hòa kể, mỗi học viên trước khi tham gia học nghề đều trải qua chương trình phỏng vấn của KOCUN Cần Thơ và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Cần Thơ. Những học viên có định hướng nghề rõ ràng, thật sự mong muốn học nghề để cải thiện cuộc sống mới được hỗ trợ. Bên cạnh đó, mỗi lớp học giới hạn số lượng học viên để đảm bảo chất lượng giảng dạy và học viên ứng dụng tay nghề hiệu quả.

Qua các lớp dạy nghề, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị nói riêng và cộng đồng nói chung, các chị em hồi hương sau kết hôn di trú với nam giới Hàn Quốc không chỉ được hỗ trợ "cần câu" để tạo sinh kế lâu dài mà còn được tiếp thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Từ đó, các chị thêm tự tin hướng tới tương lai.

Bài, ảnh: MỸ TÚ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67426

Hôm nay:
37
Tháng này:
885
Tổng lượt truy cập:
67426