Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Trang bị nghề, tạo việc làm cho người nghèo

13:54 - 23/07/2019

Bên cạnh nhiều chính sách trợ giúp người nghèo, việc lồng ghép dạy nghề ngắn hạn gắn với ổn định việc làm, thu nhập, được thành phố đánh giá là giải pháp giảm nghèo thiết thực, căn cơ. Qua đó, một bộ phận người nghèo nỗ lực học nghề, bám việc, hình thành thói quen chấp hành hành kỷ luật lao động, tác phong chuyên nghiệp...

Lồng ghép vận động người nghèo, cận nghèo tham gia học nghề đan dây nhựa, tạo việc làm.

Khích lệ học nghề, tạo việc làm

Hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Kim Phượng, hộ cận nghèo ở khu vực Thới Mỹ, phường Thới Long, quận Ô Môn, sắp xếp việc mua bán, đều đặn đến lớp nghề nấu ăn. Qua từng buổi học, chị Phượng cẩn thận ghi chép lý thuyết về các nguyên liệu cần thiết; từng công đoạn chế biến món ăn. Hào hứng thực hành theo hướng dẫn của giáo viên, chị Phượng bày tỏ: “Hổm rày, tôi học nấu rất nhiều món trong bữa ăn gia đình, đám tiệc. Lúc mới vào học, tôi lo lắng không sắp xếp được công việc và tiếp thu không bằng chị em. Giờ ổn định rồi, học lý thuyết kết hợp thực hành, thầy dạy dễ hiểu, tôi cảm thấy rất vui. Học nghề xong, tôi mong muốn được làm trong dịch vụ nấu ăn lưu động, vừa có thu nhập, vừa nâng cao tay nghề”. 

Chăm chú, tỉ mỉ từng đường may, học viên lớp nghề may gia dụng Huỳnh Thị Ngộ, hộ nghèo ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, cố gắng hoàn thiện sản phẩm đạt yêu cầu. Do không mấy khéo tay nên lúc đầu chị Ngộ không tự tin đăng ký học nghề. Thế nhưng, được cán bộ phụ nữ ấp động viên, giáo viên nhiệt tình hướng dẫn, chị Ngộ dần thoải mái tiếp thu lý thuyết và thực hành đo, cắt quần tây, áo sơ mi. Chị Ngộ vui vẻ nói: “Tôi lập gia đình và có con 6 tuổi, chi tiêu hằng ngày trông nhờ tiền công làm thuê của chồng. Biết tin lớp nghề may mở tại xã, tôi sắp xếp việc nhà đăng ký học, nhận may hàng gia công, thêm thu nhập”.

Lớp nghề đan dây nhựa xã Trường Thắng, huyện Thới Lai cũng thu hút một số phụ nữ nghèo, cận nghèo việc làm chưa ổn định. Sau 15 ngày học nghề, hầu hết học viên nắm cơ bản kỹ thuật và đan được giỏ xách. Chị Dương Thị Bé Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho biết: “Các năm qua, xác định các nghề: chằm nón lá, đan dây nhựa, đan đát phù hợp với phụ nữ nghèo, cận nghèo, xã phối hợp tổ chức mở lớp tại địa phương, tạo điều kiện để chị em theo học. Sau đó, chị em nhận đan cần xé, bội hoa cho Hợp tác xã Quốc Noãn hay đan giỏ, khay dây nhựa cho Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hồng Hào hoạt động trên địa bàn, đảm bảo nguồn hàng thường xuyên, giúp thu nhập ổn định”.

Hướng đến căn cơ, bền vững

Quá trình thực hiện giảm nghèo, các quận, huyện chú trọng điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu bức thiết của người dân - nhất là người nghèo, cận nghèo - là được học nghề, tạo việc làm phù hợp. 6 tháng đầu năm 2019, huyện Thới Lai lồng ghép vận động 20 người nghèo, cận nghèo học các nghề: đan đát, đan dây nhựa, chăm sóc da, may công nghiệp, xây dựng, hàn... Kết thúc khóa học, học viên làm việc tại các hợp tác xã, tổ liên kết, cơ sở sản xuất, kinh doanh, với thu nhập bình quân 2,5 - 3,5 triệu đồng/tháng. Quá trình phối hợp dạy nghề, quận Ô Môn cũng nỗ lực tư vấn, động viên người nghèo, cận nghèo chọn học nghề phù hợp, dễ tìm việc làm cũng như giới thiệu tham gia các mô hình làm ăn hiệu quả trên địa bàn. Ở huyện Cờ Đỏ nổi bật mô hình đan lục bình (thị trấn Cờ Đỏ) thu hút rất nhiều phụ nữ dân tộc Khmer thu nhập ổn định, đời sống ngày thêm khởi sắc. 

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, xác định dạy nghề gắn với giải quyết việc làm là giải pháp căn cơ giúp giảm nghèo bền vững, 6 tháng đầu năm 2019, các quận, huyện lồng ghép vận động trên 200 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chính sách, dân tộc thiểu số, khuyết tật, mất đất canh tác chưa có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh theo học nghề để có việc làm. Các lớp nghề: may gia dụng, may công nghiệp, đan lục bình, đan dây nhựa, đan đát… tổ chức theo hình thức lưu động tại các xã, phường, thị trấn. Tùy đặc điểm từng nghề, thời gian thực học từ  1,5 - 3 tháng. Mỗi người nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách học nghề theo quy định. Đồng thời, các quận, huyện đang duy trì khoảng 40 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm (GQVL), thu hút người nghèo, cận nghèo, dân tộc có việc làm, thu nhập. 

Ông Đào Minh Lợi, Trưởng Phòng Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: Qua kiểm tra, giám sát công tác ĐTN 6 tháng đầu năm 2019, một bộ phận người nghèo, cận nghèo không chịu khó, thụ động, hạn chế trình độ học vấn, đa phần là lao động chính trong gia đình nên chưa “mặn mà” chọn học nghề để có việc làm phù hợp... Đồng thời, chưa xác định có tay nghề, việc làm là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Để công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 đạt hiệu quả, bền vững, cùng với thực hiện các chính sách trợ giúp giảm nghèo, thành phố quan tâm lồng ghép vận động người nghèo, cận nghèo học nghề ngắn hạn gắn với GQVL tại chỗ hay tại các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân, để ổn định thu nhập, từng bước thoát nghèo. Chính quyền đoàn thể các địa phương tăng cường truyền thông làm chuyển biến nhận thức người nghèo về học nghề cơ bản, việc làm ổn định. Qua đó, thuận lợi tiếp cận và thích ứng với thị trường lao động.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

60661

Hôm nay:
17
Tháng này:
537
Tổng lượt truy cập:
60661