Ngày 17/8, tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo chuyên đề dành cho lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN cấp tỉnh về kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khu vực Tây Nam bộ. Những vấn đề liên quan đến tỷ lệ nợ quá hạn, xử lý các trường hợp nợ chiếm dụng, lãi tồn có chiều hướng tăng… đã được đưa ra bàn thảo.
Thực hiện kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra giám sát và chất lượng hoạt động ủy thác cho cán bộ các tỉnh/thành năm 2018, TƯ Hội LHPNVN tổ chức lớp tập huấn dành cho 45 lãnh đạo, cán bộ Hội chủ chốt các tỉnh/thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung nhằm đánh giá hoạt động của vốn ủy thác của các tỉnh/thành trong cụm, chia sẻ kinh nghiệm làm hay, nội dung, nhiệm vụ mà các cấp Hội đảm nhận và phương pháp kiểm tra, giám sát của Hội…
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết (bìa trái) chủ trì Hội thảo chuyên đề về kiểm tra giám sát hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khu vực Tây Nam bộ
Về hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, khu vực Tây Nam bộ được đánh giá là khu vực có hộ vay vốn ngày càng ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và vốn đúng hạn, tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm tăng so với trước…; Công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra giám sát hoạt động vốn vay được tăng cường… Thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý nguồn vốn; Chấp hành nghiêm túc chế độ giao ban với Ngân hàng CSXH tại các điểm giao dịch; Lưu giữ chứng từ, sổ sách, tài liệu theo đúng quy định; Nắm chắc tổng dư nợ của từng chương trình… Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác…
Chia sẻ kinh nghiệm làm hay, đại diện Hội LHPN tỉnh Tiền Giang cho biết: “Cần dự báo về nợ quá hạn để sớm có biện pháp nhắc nhở các tổ và sớm gắn kết với chính quyền để có những biện pháp ứng phó”.
Còn theo đại diện Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng: “Với các tổ yếu mà tổ trưởng làm tốt thì thảo luận để ưu tiên cho vay tổ đó và họp giao ban đầy đủ hơn. Làm tốt công tác khen thưởng trong các buổi giao ban đối với những tổ yếu lên khá, lên trung bình”.
Tính đến ngày 31/7/2018, khu vực Tây Nam bộ đã đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, vận động hướng dẫn triển khai hoạt động với nhiều hình thức phong phú. Đã thành lập được 13.969 tổ tham gia tiết kiệm, đạt 99,5%; số dư gửi tiết kiệm trên 609 tỷ đồng… Phối hợp với Ngân hàng chính sách tổ chức gần 100 lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác cho cán bộ Hội và Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. |
Tuy nhiên các ý kiến trong Hội thảo cũng cho thấy Tây Nam bộ đang là khu vực có tỷ lệ nợ quá hạn đang cao nhất cả nước; Việc xử lý các lý các trường hợp nợ chiếm dụng còn khó khăn do người vay bỏ xứ đi biệt tích; Hầu hết nợ xấu, nợ quá hạn là từ nhiều năm trước và phát sinh tại một số chương trình vay vốn đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 74, chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ...; Lãi tồn có chiều hướng tăng, chủ yếu là lãi tồn của các thành viên nợ quá hạn và học sinh sinh viên…
Về tỷ lệ nợ quá hạn,Tây Nam bộ đang là khu vực có tỷ lệ nợ quá hạn đang cao nhất với 1,18% (cả nước là 0,33%), trong đó Sóc Trăng cao nhất khu vực với 4,28%, An Giang 2,67%, Kiên Giang 1,89%, Cà Mau 0,72%, Bạc Liêu 0,56%... Thấp nhất là Tiền Giang với 0,13%. |
http://www.phunuvietnam.vn
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Lý giải nguyên nhân, theo đại diện Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng: "Việc thất thoát vốn một phần là do thua lỗ trong nuôi tôm, bò sữa. Về nợ quá hạnphần lớn là do sự chây ì của các hộ vay; Một số trường hợp cũng đã cho vay thêm chỉ để nhằm mục đích đáo hạn. Việc một số chương trình không thu lãi trong thời gian dài cũng trở thành nguyên nhân. Tại một số địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, chưa chú ý việc kiểm tra giám sát, kiểm tra sử dụng vốn 30 ngày sau giải ngân còn xuề xòa".
Đại diện Hội LHPN tỉnh Kiên Giang cho biết: “Hiện tại, ở địa phương, khi nợ có xu hướng tăng xảy ra tình trạng một số xã không muốn nhận nợ nhưng lại bị ép nhận nợ, thậm chí dọa bỏ tổ… Tại một số địa phương, công tác phối hợp giữa UBND và Ngân hàng, các đoàn thể chưa tốt. Vẫn còn xảy ra trường hợp đáo hạn - dùng vốn vay khác để trả nợ cũ dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ và nợ sẽ ngày càng tăng”.
Tại Bạc Liêu, công tác thẩm định vốn được đánh giá là còn hạn chế. Vẫn còn những địa phương chưa quan tâm nhiều đến hoạt động sử dụng vốn. Cơ chế xử lý những sai phạm chưa đủ mạnh…
Mặt khác, theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện các cấp Hội còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến “Hướng dẫn sử dụng phí ủy thác cho vay”của TƯ Hội LHPNVN (đã ban hành từ 2005), đến nay vẫn chưa có hướng dẫn sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế và quy định của ngành Tài chính… Theo đại diện Hội LHPNV tỉnh Long An lý giải: “Về vấn đề sử dụng phí ủy thác - theo quy định của TƯ Hội có vận dụng cho chi “phụ cấp trách nhiệm” cho cán bộ Hội làm công tác quản lý nguồn vốn nhận ủy thác nhưng với Sở Tài chính, khi hướng dẫn các đoàn thể lại không có mục chi này”.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết chỉ đạo, trong thời gian tới, cụm Tây Nam bộ cần tập trung các giải pháp: “Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, Tổ trưởng. Phối hợp với Ngân hàng CSXH bồi dưỡng, tập huấn củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và thực hiện ủy thác, nghiệp vụ uỷ thác; Tăng cường kiểm tra giám sát, chú trọng đơn vị yếu kém. Phân công phụ trách địa bàn quản lý; Tiếp tục củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH. Phối hợp phân tích đánh giá thực trạng nợ xấu và hoạt động của tiết kiệm và vay vốn, nguyên nhân yếu kém, tìm giải pháp khắc phục kịp thời; Tham mưu cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhiệm vụ ủy thác tại địa bàn nợ quá hạn cao, đẩy mạnh vai trò của tổ thu nợ; Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; Tiếp tục đưa việc thực hiện ủy thác vào tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm của các cấp Hội...". |
Theo http://www.phunuvietnam.vn