Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, các vấn đề mới đang nảy sinh và tác động không trừ một quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp nào. Với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng, yêu cầu này càng thách thức hơn nữa khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nữ doanh nhân
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Nữ doanh nhân và khát vọng vì Việt Nam thịnh vượng”, một trong những nội dung quan trọng nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, diễn ra sáng 2/5 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đánh giá cao vai trò và nỗ lực của các doanh nhân nữ trong đóng góp phát triển kinh tế đất nước.
Từ trái qua: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu tham dự buổi tọa đàm “Nữ doanh nhân và khát vọng vì Việt Nam thịnh vượng”
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, những người phụ nữ với niềm đam mê, khát vọng hoàn toàn có thể đưa những doanh nghiệp Việt đến thành công: “Qua những câu chuyện hôm nay và đặc biệt nhìn lại lịch sử vô cùng đáng trân trọng, tự hào của phụ nữ Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, nữ doanh nhân Việt Nam, với sự đồng hành của Chính phủ, của các tổ chức, hiệp hội cùng với sự nỗ lực, bứt phá của bản thân sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững”.
Chủ tich Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nữ doanh nhân, sẽ lắng nghe các kiến nghị, mong muốn của các chị em để tiếp tục đề xuất, thúc đẩy thực thi chính sách và chương trình hỗ trợ phụ nữ nói chung, doanh nhân nữ nói riêng: “Chúng ta sẽ cùng nhau hành động thực hiện những gợi ý mà Phó Chủ tịch nước đã nêu trong bài phát biểu khai mạc để viết tiếp những trang sử đẹp về người phụ nữ Việt Nam giỏi giang, kiên cường”.
Tọa đàm lần này cũng là nơi để các doanh nhân nữ khuyến nghị, hiến kế với các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, cũng như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, phát triển doanh nhân nữ nói riêng.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm “Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng” trong khuôn khổ “Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019”. “Sự kiện hôm nay cùng với các diễn đàn doanh nhân nữ Việt Nam do Hội đồng Doanh nhân nữ và Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức hàng năm đã tạo môi trường để các doanh nhân nữ hội ngộ, chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công, truyền cảm hứng, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đây cũng là nơi để các doanh nhân nữ khuyến nghị, hiến kế với các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, phát triển doanh nhân nữ nói riêng”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số, các vấn đề mới đang nảy sinh và tác động không trừ một quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp nào. Với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nhân nữ nói riêng, yêu cầu này càng thách thức hơn nữa khi các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia có hiệu lực, mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn.
Ngoài ra, mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực (25%) nhưng trong đó có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, phần nhiều chưa có nhiều kinh nghiệm (94% doanh nhân nữ đang vận hành doanh nghiệp đầu tiên của họ) và khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ và các nguồn lực hỗ trợ nhưng đây cũng là tiềm năng lớn để phát triển mạng lưới doanh nghiệp trong tương lai.
“Do đó, buổi tọa đàm lần này cũng là nơi để các doanh nhân nữ khuyến nghị, hiến kế với các cơ quan của Chính phủ, Nhà nước về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như xây dựng chiến lược phát triển kinh tế đất nước nói chung, phát triển doanh nhân nữ nói riêng”, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.
"Cần thêm sự hỗ trợ, quan tâm"
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, đưa ra đề xuất để nữ doanh nhân tiếp tục phát huy mạnh những giá trị của mình.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, phát biểu
“Chúng tôi cần nhiều sự hỗ trợ, sự hỗ trợ ngay trong nhà mình là bạn đời. Điều mong muốn là nhà nước quan tâm hơn tới nữ doanh nhân. Chúng tôi cũng mong có nghị quyết cho doanh nhân nữ”, bà Nga chia sẻ.
Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế tư nhân của Chính phủ (Ban IV), cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phụ nữ phát triển mạnh nhận thức. Phụ nữ tự giác ngộ về giá trị to lớn của lãnh đạo đó phải là yêu thương, người lãnh đạo vĩ đại vì có một tình yêu vĩ đại.
“Người phụ nữ có những năng lực phát triển, người đàn ông chỉ có khoảng 27 trạng thái cảm xúc, phụ nữ có 147 trạng thái cảm xúc. Đàn ông gần như chỉ tập trung 1 việc, người phụ nữ có thể làm 8 việc một lúc. Chỉ có người phụ nữ mới hiểu giá trị, cái nào tốt, đẹp, hay. Người đàn ông mà thử làm bài test đưa số tiền vào siêu thị, sau đó, có thể thấy mớ hỗ độn và không trả lời được vì sao mua món này, trong khi phụ nữ ngược lại. Do đó, chúng ta phải trả lại quyền lãnh đạo cho phụ nữ”, ông Trương Gia Bình nói.
“Diễn đàn kinh tế tư nhân năm 2019” với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”, được tổ chức trong 2 ngày (2&3/5/2019) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Với quy mô từ 2.000-2.500 doanh nghiệp tư nhân cùng hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, diễn đàn là nơi Chính phủ, các cơ quan quản lý lắng nghe kiến nghị và nhìn nhận những nút thắt cản trở khu vực kinh tế tư nhân, từ đó tạo ra điều chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực này phát triển, trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Diễn đàn tập trung vào 3 mục tiêu lớn gồm: đánh giá quá trình tổ chức thực hiện sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân; quảng bá thành tựu; tạo cơ hội cho khối tư nhân đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện cơ chế, chính sách. Ngoài ra, diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm. Sự kiện không giới hạn quy mô mà quy tụ từ những doanh nghiệp, tập đoàn rất lớn đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong nước với nước ngoài. Ngày mai (3/5) sẽ diễn ra hoạt động kết nối kinh doanh, kết nối đầu tư cho các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp tham gia sự kiện. Khu vực triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân là hoạt động bên lề quan trọng, dự kiến thu hút 3.000 người.
Đặc biệt, buổi tọa đàm về nữ doanh nhân vào sáng 2/5 là dịp để các nữ lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận với chủ đề “Vì một Việt Nam thịnh vượng”. Buổi tọa đàm được kỳ vọng sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam.
Theo PNVN