Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

“Tích tiểu thành đại”

00:00 - 27/08/2020

Các hoạt động tài chính vi mô là công cụ hữu hiệu góp phần giảm nghèo bền vững, giúp cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, có thêm việc làm, tăng thu nhập, biết cách làm ăn, tiết kiệm, giảm bớt sự tổn thương khi gặp rủi ro, khó khăn đột xuất trong cuộc sống. Nhằm giúp hội viên tăng thu nhập, các cấp hội phụ nữ quan tâm xây dựng các mô hình tạo việc làm cho hội viên hướng đến mục tiêu này. Mô hình bóc vỏ hạt sen tại Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai có ý nghĩa thiết thực giúp hơn 30 hội viên trung niên sử dụng hiệu quả thời gian nông nhàn.

Chị Trúc Ly tranh thủ lúc nông nhàn nhận bóc vỏ hạt sen để thêm thu nhập.

Trời quá trưa, chị Trần Thị Phương và con trai út (đang học lớp 10) vừa hoàn thành bóc vỏ 3,5kg hạt sen thành phẩm trắng sạch, tiền công khoảng 100.000 đồng. Chị Phương cho biết: “Mỗi sáng sớm, tôi đến cơ sở phân phối nhận gương sen về nhà bóc vỏ, tranh thủ làm việc nhà. Lúc đầu, tôi chưa quen việc, làm chậm nên mỗi ngày kiếm được chỉ hơn 10.000 đồng. Sau quen dần, tiền công nhật tăng lên. Hiện việc làm mướn bấp bênh, thu nhập không ổn định, tôi chịu khó giữ công việc này để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình”. Lúc trước, khi 3 con trai còn nhỏ, gia đình chị Phương thuộc diện hộ nghèo, vợ chồng chị làm mướn kiếm sống. Năm 2012, chị Phương được xã tặng nhà Đại đoàn kết, Hội Phụ nữ giới thiệu vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng để làm ruộng, nuôi heo, trồng dừa. Vài năm sau, 2 con trai lớn của anh chị đi làm công nhân ở Bình Dương, hằng tháng gởi tiền về phụ giúp cha mẹ, nuôi em út học hành. Năm 2014, chị Phương được xét thoát nghèo. Giờ kinh tế gia đình khá ổn định nhưng chị Phương vẫn duy trì việc bóc vỏ hạt sen để đảm bảo việc làm, thu nhập thường xuyên.

Mướn 12 công đất rồi bận rộn làm vườn, trồng rẫy, thu hoạch rau màu bán hằng ngày nhưng chị Nguyễn Thị Trâm vẫn tranh thủ nhận bóc vỏ hạt sen, tăng thu nhập. Nhờ được vay vốn ưu đãi, thêm cần cù, tiết kiệm, chị Trâm cất nhà khang trang, chăm lo con trai đang học cao đẳng. “Kiếm được đồng nào hay đồng đó, vì tôi còn phải lo toan nhiều trong gia đình và tích lũy cho tương lai con cái” - chị Trâm bộc bạch.   

Chị Võ Thị Trúc Ly, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân, nói: “Hầu hết hội viên Chi hội thuộc độ tuổi trung niên, không đất sản xuất hoặc rất ít đất sản xuất, phải làm mướn quanh năm kiếm sống, thu nhập bấp bênh nên nhu cầu có việc làm ổn định rất bức thiết. Hơn 4 năm qua, Chi hội cố gắng duy trì mô hình bóc vỏ hạt sen này, khuyến khích chị em tham gia. Dù thu nhập từ công việc này không nhiều nhưng cũng giúp chị em có đồng ra đồng vào lúc rảnh rỗi, thiếu việc làm, vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong thời gian xảy ra dịch COVID-19”. Theo chị Trúc Ly, lúc đầu, tiền công hạt sen thành phẩm 20.000 đồng/kg và hiện nay là 30.000 đồng/kg nên được nhiều phụ nữ trung niên chọn làm, trong khi chờ có việc làm thuê có thu nhập cao hơn.

Hiện Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân quản lý gần 1,1 tỉ đồng vốn hỗ trợ 54 hội viên vay để cải tạo vườn trồng nhãn Ido, mít Thái, chanh, rau màu, mua bán nhỏ… để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, để góp phần tạo việc làm lâu dài, Chi hội vận động con em hội viên làm công nhân cơ sở may gia công, thu nhập theo sản phẩm từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng. Chị Trúc Ly cho biết, Chi hội nỗ lực duy trì hoạt động các mô hình này, đồng thời, mong muốn các ngành, các cấp giới thiệu thêm một số mô hình tạo việc làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68305

Hôm nay:
26
Tháng này:
780
Tổng lượt truy cập:
68305