Nhằm tạo điều kiện cho hội viên nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thới Hòa, quận Ô Môn đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực ở các chi, tổ hội, như: mô hình tổ hợp tác may giày da, tổ phụ nữ mua bán nhỏ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Từ hiệu quả của các mô hình, năm 2019, đã có 16 hộ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Mô hình Tổ hợp tác may giày da giúp nhiều hội viên phụ nữ có thu nhập ổn định.
Một trong những mô hình hiệu quả, thu hút nhiều chị em tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ là mô hình Tổ hợp tác may giày da, do Hội LHPN phường Thới Hòa thành lập năm 2019 tại khu vực Hòa Thạnh A với 10 thành viên. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Hòa, việc may giày khá đơn giản, chủ yếu gia công một số công đoạn, chị em chỉ cần học 3-5 ngày là làm được. Mặt khác, các chị em có thể vừa làm việc nhà, vừa tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận sản phẩm về gia công. Trung bình hằng tháng, các thành viên có thu nhập 3-6 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay đã có thêm 30 chị tham gia, nâng tổng số thành viên của Tổ lên 40 người.
Chị Huỳnh Thị Kiều Hạnh, Tổ trưởng Tổ hợp tác may giày da, kể: "Tôi làm công nhân cho một công ty giày xuất khẩu. Ngoài giờ làm việc tại công ty, tôi nhận hàng từ công ty về giao lại cho các chị may gia công và trả công theo sản phẩm. Mỗi đôi giày, các chị được trả 6.000 đồng. Người mới thì trung bình mỗi ngày làm khoảng 15 đôi, các chị thạo nghề, có nhiều thời gian thì mỗi ngày làm 20-30 đôi".
Bà Võ Thị Dung, thành viên Tổ hợp tác, chia sẻ: "Tôi năm nay gần 60 tuổi, con cái lập đình đi làm ăn, mua bán, tôi ở nhà giữ 3 đứa cháu nội. Tranh thủ thời gian rảnh, vừa trông cháu tôi vừa may giày, mỗi ngày may được chừng 15 đôi, được khoảng 90.000 đồng". Tương tự, bà Nguyễn Thị Trúc, thành viên Tổ hợp tác cũng tranh thủ thời gian nhàn rỗi nhận hàng về may gia công, có thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng. Bà Trúc kể: "Gia đình có 1,5 công đất trồng nhãn, bưởi, huê lợi chẳng đáng kể nên trước giờ vợ chồng tôi chủ yếu đi làm thuê kiếm sống. Khi được cán bộ Hội Phụ nữ hướng dẫn tham gia mô hình, tôi rất mừng. Việc may giày khá đơn giản, tôi học vài ngày là biết làm. Hiện nay, mỗi ngày, tôi có thể may được 20 đôi giày".
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Hòa, đa số chị em hội viên phụ nữ rơi vào hoàn cảnh nghèo là do không có đất đai sản xuất, không có việc làm ổn định. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, Hội chủ động xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm phù hợp. Ngoài mô hình Tổ hợp tác may giày da, Hội còn thành lập, nâng chất một số mô hình: hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; tổ phụ nữ tôn giáo làm kinh tế; tổ phụ nữ mua bán nhỏ; mô hình may mùng, may gia công quần áo… Hội cũng đã thành lập và quản lý có hiệu quả 5 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng dư nợ hơn 6 tỉ đồng. Đồng thời, xây dựng 12 tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi, với 253 thành viên (trong năm 2019 góp vốn được 212 triệu đồng, đã giúp cho 80 lượt chị vay để phát triển kinh tế gia đình)…
Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Hội LHPN phường Thới Hòa phối hợp các đoàn thể vận động sửa chữa 3 Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; vận động 570 phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, với tổng số tiền hơn 120 triệu đồng…tặng các hội viên nghèo, cận nghèo. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Hòa, cho biết: "Bằng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, trong năm 2019, Hội có 16 hộ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Ban Chấp hành Hội LHPN phường sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, Hội duy trì, củng cố hoạt động của các tổ hùn vốn, vay vốn nhằm tạo điều kiện cho nhiều chị em tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, có điều kiện mua bán nhỏ, chăn nuôi để thoát nghèo bền vững, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ".
Bài, ảnh: Tâm Khoa