Để giúp hội viên nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Long Hòa, quận Bình Thủy xây dựng nhiều mô hình thiết thực ở các chi, tổ hội, như: nuôi bò, tổ phụ nữ mua bán nhỏ, trồng rau màu… Qua đó, năm 2017, có 18 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Hội LHPN phường Long Hòa thăm hỏi, tìm hiểu đời sống hội viên phụ nữ.
Trước kia, gia cảnh chị Lê Thị Huyền (khu vực Bình Yên B) rất khó khăn do không đất sản xuất. Cách nay khoảng 5 năm, được sự hỗ trợ của cán bộ Hội, chị Huyền tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để nuôi bò sữa. Chị Huyền chịu khó học hỏi các chị có kinh nghiệm chăn nuôi trong chi hội nên công việc của chị đạt hiệu quả cao. Hiện chị Huyền nuôi 8 con bò sữa, trong đó, có 3 con đang cho sữa, 5 con còn lại đang mang thai chuẩn bị sinh sản. Sau khi bò mẹ sinh, chị Huyền bán bò đực, dành lại bò cái để tiếp tục nuôi bò sữa. Chị Huyền phấn khởi nói: “Mỗi ngày, 3 con bò sữa cho khoảng 50 lít sữa (giá 14.000 đồng/lít), tôi thu nhập khoảng 700.000 đồng. Để sữa bò đạt chất lượng theo yêu cầu công ty thu mua, ngoài cỏ tươi, tôi mua thêm khóm, hèm, thức ăn để bồi dưỡng đàn bò. Với số tiền tích lũy, 3 năm trước, tôi xây dựng căn nhà khang trang”.
Tương tự, trước đây, gia đình bà Đinh Thị Yến (khu vực Bình Yên B) thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất, bà Yến đơn thân nuôi con mới 8 tuổi. Gia đình không đất canh tác, có thời gian, bà Yến phải bỏ quê đến Vũng Tàu làm thuê. Sau này, nhờ Hội LHPN phường và chính quyền địa phương hỗ trợ bà Yến cất căn nhà tình thương và vay vốn mở tiệm mua bán rau cải. Bà Yến bộc bạch: “Lúc đó, thấy tôi khổ quá, cô Ngọc Yến (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu vực) động viên tôi vào Hội và giúp tôi làm hồ sơ xin vay vốn để mua bán nhỏ. Từ sạp rau củ ban đầu, hiện con gái tôi phụ bán thêm thịt, cá, tép. Ngoài ra, tôi nuôi thêm heo rừng để cải thiện thu nhập. Giờ kinh tế gia đình rất ổn định, cuộc sống mẹ con tôi rất thoải mái”.
Theo chị La Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Long Hòa, đa số hội viên phụ nữ gia cảnh nghèo khó là do không đất sản xuất, đông con, việc làm bấp bênh, thu nhập không ổn định. Để hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Hội thành lập và quản lý hiệu quả 11 tổ tiết kiệm và vay vốn NHCSXH, với tổng dư nợ hơn 12 tỉ đồng; đồng thời, xây dựng 6 tổ hùn vốn xoay vòng không tính lãi, với 92 thành viên… Qua đó, tạo điều kiện để chị em đầu tư chăn nuôi, mua bán nhỏ, chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau màu. Song song đó, Hội phối hợp mở các lớp nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm cho hội viên… Từ đó, xuất hiện nhiều gương điển hình vượt khó, phát triển kinh tế gia đình. Trường hợp chị Phạm Thị Dân An (ngụ khu vực Bình Yên A) không đất sản xuất, có 2 con, con gái út bị khuyết tật bẩm sinh. Vợ chồng chị phụng dưỡng cha chồng ngoài 80 tuổi. Trước kia, chị ở nhà chăm sóc con và cha chồng nên kinh tế gia đình trông chờ lương công nhân của ông xã. Năm 2010, được sự động viên của cán bộ Hội, chị tham gia học nghề may gia dụng và được hỗ trợ vay vốn mua máy may gia công quần áo tại nhà. Hiện chị An thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng và hoàn trả xong số vốn vay 20 triệu đồng.
Chị La Thanh Thúy cho biết thêm: “Bằng nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực, năm qua, Hội có 18 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, Ban Chấp hành Hội LHPN phường tiếp tục nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả; đồng thời, duy trì, củng cố hoạt động các tổ hùn vốn, vay vốn, giúp nhiều chị em tiếp cận vốn vay lãi suất thấp để chăn nuôi, mua bán nhỏ, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững”.
Bài, ảnh: Đồng Tâm