Các chuyên gia sức khỏe tại Anh vừa lên tiếng cảnh báo tác hại nghiêm trọng của thức ăn nhanh, sau khi họ ghi nhận trường hợp một thiếu niên bị mất thính giác lẫn thị giác do chỉ tiêu thụ thực phẩm chế biến trong gần 10 năm.
Đây là bằng chứng cụ thể đầu tiên tại Anh cho thấy mặt trái của việc lạm dụng đồ ăn nhanh. Theo tường thuật của gia đình bệnh nhân (giấu tên), con trai họ khi lên 7 tuổi bắt đầu không chịu ăn bất cứ thực phẩm nào ngoài khoai tây chiên, khoai tây lát đóng hộp, bánh mì trắng cùng các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, giăm bông. Gia đình cũng chủ quan vấn đề sức khỏe do cậu bé rất gầy trong khi các cảnh báo về thức ăn nhanh đều liên quan nguy cơ béo phì. Mọi người chỉ nhận thấy bất ổn khi phát hiện con trai họ mới 14 tuổi nhưng đã bị mất thính giác và giảm mật độ xương. Hiện nay, mắt của cậu con trai 17 tuổi gần như bị mù khi thị lực đo được chỉ đạt 1/10.
Chẩn đoán y khoa cho thấy thiếu niên nói trên mắc chứng rối loạn về hạn chế/né tránh thu nạp thực phẩm (ARFID), chỉ tình trạng của những người ăn hạn chế hoặc tránh ăn hầu hết các loại thực phẩm, nhất là những thực phẩm có kết cấu thô và nhiều xơ như trái cây, rau củ. Trong trường hợp này, chế độ ăn uống kém là nguyên nhân gây thiếu hụt nhiều vitamin quan trọng cùng với khoáng chất cần thiết như sắt, canxi, magiê và đồng, dẫn đến giảm thính lực và teo dây thần kinh thị giác.
Điều đáng buồn là các bác sĩ cho biết không thể thay đổi những tác hại sau nhiều năm dung nạp thực phẩm kém lành mạnh như trên. Theo bác sĩ Denize Atan thuộc Đại học Bệnh viện Bristol NHS Foundation Trust, thực phẩm chế biến không phải nguyên nhân duy nhất mà vấn đề là người này không ăn gì khác ngoài một loại thức ăn trong thời gian dài. Hành vi hình thành từ nhỏ, có xu hướng kéo dài đến trưởng thành. Đây cũng là lý do bệnh nhân không cải thiện sức khỏe dù đã được bổ sung vitamin để bù đắp dinh dưỡng, bác sĩ Atan nói thêm.
Chế độ ăn uống rất quan trọng đối với thanh thiếu niên
Thiếu niên là giai đoạn phát triển nhanh, nên độ tuổi này cần thêm dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của xương, thay đổi nội tiết tố cũng như phát triển các cơ quan và mô. Nuôi dưỡng thói quen ăn uống lành mạnh sẽ tạo tiền đề tốt cho cuộc sống và sức khỏe các em trong tương lai.
Trung bình, con trai tuổi teen cần tiêu thụ trung bình 2.200 đến 3.200 calo mỗi ngày, còn con gái thì tiêu thụ từ 1.800 đến 2.400 calo. Đạm (protein) rất cần thiết cho sự phát triển, năng lượng hoạt động và quá trình phục hồi mô. Theo tiêu chuẩn dinh dưỡng, một thiếu niên từ 11-14 tuổi nặng khoảng 50kg cần khoảng 50 gr đạm mỗi ngày, đến độ tuổi 15-18 thì nhu cầu đạm giảm chút ít. Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với thanh thiếu niên là canxi bởi xương bắt đầu ngừng nạp canxi khi các em bước sang tuổi trưởng thành.
Thanh thiếu niên có thói quen ăn uống kém không chỉ có nguy cơ yếu về thể chất mà học hành cũng không tốt. Theo khảo sát của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ, những học sinh ăn uống không lành mạnh dễ bị điểm kém, ít ham học, thường nghỉ học và lưu ban.
Dinh dưỡng cũng tác động đáng kinh ngạc đến tâm trạng. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy thiếu niên ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc và cá, đồng thời tránh các thực phẩm chế biến và đường có nguy cơ trầm cảm thấp hơn từ 25-35%. Nghiên cứu khác chỉ ra rằng thiếu niên ăn uống kém dinh dưỡng có nguy cơ trầm cảm cao hơn 80% so với người có chế độ ăn lành mạnh. Gần đây nhất, nghiên cứu của Đại học Alabama cho biết thức ăn nhanh góp phần làm tăng nguy cơ trầm cảm ở thanh thiếu niên.
Theo chuyên gia tư vấn nuôi dạy con cái Mary Migliaro, bắt đứa con tuổi teen ăn uống lành mạnh là điều không dễ, nhưng đây là một số mẹo mà phụ huynh có thể giúp con để có sức khỏe tốt:
+ Ăn tối với cả gia đình bất cứ khi nào có thể.
+ Luôn dự trữ thực phẩm lành mạnh trong nhà, bao gồm trái cây tươi, quả hạt khô.
+ Sử dụng chai có thể tái sử dụng để đựng nước lọc và đặt chúng ở những nơi dễ thấy, nhằm đảm bảo con luôn uống nước đầy đủ. Luôn có sẵn đồ uống tốt cho sức khỏe như nước ép trái cây hoặc nước ép rau củ thay vì nước ngọt.
+ Nếu con có xu hướng bỏ bữa sáng, hãy nhắc trẻ mang theo sữa giàu đạm để uống khi đến trường, tránh mua thức ăn vặt ở căng-tin.
+ Tập trung vào sức khỏe, chứ không phải cân nặng và khuyến khích con cùng ba mẹ chuẩn bị bữa ăn bất cứ lúc nào có thể.
ĐƯỜNG THẤT - HOÀNG ĐIỂU
(Theo Telegraph, Betterhealth.com)