Hàng triệu liều vaccine Combe Five đã về đến Việt Nam đầu tháng 6 và đang được gửi đi kiểm định. Sau khi kiểm định xong, cuối tháng 6 sẽ triển khai tiêm miễn phí tại 7 tỉnh ở nước ta. Dự kiến trong tháng 8/2018, sẽ triển khai vaccine này trên toàn quốc.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho biết thông tin trên vào ngày 12/6. Theo TS Hồng, sau khi triển khai thí điểm tại 7 tỉnh, trong tháng 7, ngành y tế sẽ có đánh giá tổng thể liên quan đến quá trình tiêm. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, trong tháng 8, Bộ Y tế sẽ có quyết định và triển khai tiêm miễn phí vaccine này trên quy mô toàn quốc.
Vaccine Combe Five được triển khai nhằm thay thế vaccine Quinvaxem (vaccine 5 trong 1) mà Việt Nam đã sử dụng trước đó để phòng ngừa 5 loại bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Lí do chuyển đổi sang loại vaccine mới này là vì Công ty Berna Biotech (Hàn Quốc) đã ngưng sản xuất vaccine Quinvaxem từ năm 2017.
“Khi triển khai vaccine Combe Five, vẫn tiếp tục tiêm Quinvaxem cho trẻ đến khi hết vaccine này mới dừng hẳn. Trẻ đã tiêm mũi 1 Quinvaxem có thể tiêm tiếp mũi 2-3 bằng Combe Five”, TS Hồng cho biết.
Ngoài vaccine này, tại Việt Nam hiện có 2 loại vaccine 5 và 6 trong 1, ngừa các bệnh tương tự Quinvaxem và Combe Five (chỉ khác thành phần ho gà là vô bào) nhưng được tiêm theo hình thức dịch vụ. Vì thế, cha mẹ có thể lựa chọn vaccine và hình thức tiêm cho con.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu vaccine chuẩn bị triển khai trên có thực sự an toàn khi tiêm cho trẻ, vì chứa thành phần ho gà toàn tế bào tương tự vaccine Quinvaxem. Vaccine Quinvaxem từng gây khá nhiều phản ứng sau tiêm chủng.
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vaccine Combe Five có thành phần, dạng trình bày và đường tiêm tương tự vaccine Quinvaxem. Đây cũng là loại vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đã được sử dụng ở hơn 43 quốc gia trên thế giới với hơn 400 triệu liều. Tại Việt Nam, trước đó vaccine này đã được sử dụng thí điểm nhóm nhỏ ở 4 huyện Bình Lục, Kim Bảng, Thanh Liêm và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam).
Cha mẹ cần theo dõi sát sức khỏe của con sau 24 giờ tiêm vaccine
Kết quả theo dõi 28 ngày sau tiêm cho thấy 70-86,7% các cháu có đau chỗ tiêm; 35,7-39,3% có bị đỏ và quầng đỏ ở vị trí tiêm; 34,4-39,1% các cháu có sốt; 8,9-24% các cháu có bỏ bú, bỏ ăn...
Lý giải tại sao tiếp tục sử dụng một loại vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào tương tự vaccine Quinvaxem, trong khi đây chính là nguyên nhân gây nên những phản ứng phụ sau tiêm cho trẻ như: nóng sốt, đau, quấy khóc..., TS Trần Đắc Phu cho rằng, về tạo miễn dịch, vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào được chứng minh ưu việt hơn hẳn và có hiệu quả lâu dài hơn các vaccine có thành phần ho gà vô bào. Vaccine Combe Five có độ an toàn, hiệu quả cao như Quinvaxem nên các bà mẹ đưa con đi tiêm ngừa hãy yên tâm. Bất cứ loại vaccine nào cũng đều có tỷ lệ phản ứng phụ hoặc sự cố tiêm chủng nhất định. Các phản ứng thông thường như sốt, sưng, nóng, đỏ đau…. sẽ tự hết sau 24 giờ.
Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp một số tai biến nguy hiểm sau tiêm, nhưng nguyên nhân hầu hết là do cơ địa hoặc trẻ có bệnh trùng hợp ngẫu nhiên như mắc bệnh tim bẩm sinh, xuất huyết não, nhiễm trùng huyết... Để ngăn ngừa biến chứng trong tiêm chủng, phụ huynh nên khai báo rõ tình trạng sức khỏe của trẻ trước tiêm; thông báo với cán bộ y tế về tiền sử bệnh tật, việc dùng thuốc và các phản ứng sau tiêm ở những lần trước. Mặt khác, cần để trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút và theo dõi sát 24 giờ sau tiêm.
Theo http://phunuvietnam.vn