Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Tết “nhà làm”

14:05 - 13/02/2019

Tết đến, các gia đình tiêu tốn khá nhiều tiền cho việc mua sắm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình lên kế hoạch dọn dẹp, sửa sang nhà cửa hoặc tự mua nguyên liệu về chế biến bánh mứt, thực phẩm từ rất sớm. Qua đó vừa chuẩn bị được cái Tết đủ đầy, vừa tạo không khí gia đình vui vầy, hạnh phúc…

Nhiều chị em mong muốn tự  tay chuẩn bị những loại bánh mứt, thực phẩm truyền thống để đón Tết.  Ảnh: C.T.V

Tiết kiệm, an toàn…

Nhiều người cho rằng thực phẩm Tết tự làm không chỉ đảm bảo an toàn, vệ sinh, tiết kiệm chi phí mà lại ngon hơn thực phẩm công nghiệp. Chị Hồng Nga (tỉnh Hậu Giang) bộc bạch: “Mỗi năm gần đến Tết, dù bận rộn kiểu gì tôi cũng phải tự tay làm keo dưa cải, củ kiệu, mứt dừa, kẹo chuối… Bây giờ hàng hóa đa dạng, mẫu mã bắt mắt nhưng Tết mà không tự tay chuẩn bị món bánh mứt, thực phẩm nào, dường như thấy thiếu thiếu”. Với suy nghĩ này nên năm nào cũng vậy, chị Nga cùng mấy chị em trong xóm hùn nhau mua đủ thứ nguyên liệu về làm bánh mứt, gói bánh Tét. Chị Nga kể, làm một mình thì cực và ngán chứ chị em tụ lại đông vui, vừa làm vừa trò chuyện rôm rả, lại “bỏ túi” thêm được vài kinh nghiệm hay.

Không có nhiều thời gian chuẩn bị như một số chị em ở nông thôn, nhiều chị em công sở ở các thành phố lớn ngày càng chuộng thực phẩm “nhà làm”. Chị Ngọc Hà (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Mấy năm nay thực phẩm “nhà làm” lên ngôi nên nhiều chị em không có thời gian cũng yên tâm lựa chọn đặt mua những thức ăn truyền thống để ăn Tết và làm quà biếu. Năm nào cũng vậy, sắp đến Tết, tôi tranh thủ đặt hàng các mối quen thực phẩm “nhà làm”, để làm quà biếu bà con, họ hàng bên chồng”. Tương tự, chị Hồng Nhung (huyện Phong Điền) cũng khoe chị vừa được mấy người bạn giới thiệu một số chị em bán sản phẩm quà biếu, bánh mứt “nhà làm” chất lượng mà giá cả lại phải chăng.

Đánh trúng tâm lý này, mấy năm trở lại đây, nhiều chị em tranh thủ làm thêm “nghề tay trái” là kinh doanh các sản phẩm ngày Tết. Chị em khéo tay có thể làm một số loại đặc sản, bánh mứt truyền thống để bán. Chị Ngọc Hân (quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Khoảng 3 năm nay, tôi bắt đầu làm dưa củ hành, củ kiệu bán vào dịp Tết; vừa để chuẩn bị thực phẩm ăn Tết cho gia đình, vừa tăng thêm thu nhập. Để đảm bảo hàng tươi ngon, chất lượng và không bị tồn kho, tôi chỉ làm bán theo đơn đặt hàng. Tuy vất vả một chút nhưng có thêm thu nhập, vì thế đón Tết cũng sung túc, rộn rã hơn”. 

Chia sẻ trách nhiệm

Trước đây, nhiều người quan niệm việc dọn dẹp, nấu nướng, chuẩn bị Tết  đa phần là của phụ nữ. Thậm chí có nhiều chị em ôm đồm hết việc vào mình nên tinh thần căng thẳng là điều dễ hiểu. Chị Ngọc Hà (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Những ngày cuối năm, công việc cơ quan rất bận; ông xã thì hết tổng kết, liên hoan đến họp mặt bạn bè. Nhiều năm đến 27- 28 Tết mà nhà cửa chưa dọn dẹp, trang hoàng gì hết”. Theo chị Hà, thật ra công việc nhà cũng không nhiều nhưng do tâm lý nôn nóng, cộng thêm sự thờ ơ của ông xã, khiến chị càng thêm rối trí. Vợ chồng dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa. 

Chia sẻ về vấn đề này, nhiều chị em có kinh nghiệm cho rằng việc dọn dẹp, “tân trang” nhà cửa đón Tết tuy đơn giản nhưng cũng cần có kế hoạch rõ ràng. Tâm lý chung là mong muốn mọi thứ đều phải hoàn hảo để đón năm mới. Hễ sơn sửa chỗ này thì lại xuất hiện chỗ khác hỏng hóc, cũ kỹ… đành làm cho đồng bộ. Thế nên nhiều gia đình bị thâm hụt “ngân sách”. Chị Lê Ngọc Hân (quận Ninh Kiều) chia sẻ: “Thấy tôi bận rộn vất vả nên ông xã khuyên thuê người giúp việc; trong nhà thứ gì hư hao thì đem bỏ mua cái mới. Tới ngày rước ông bà thì ra chợ mua ít thực phẩm, hoa quả, bánh mứt về cúng… Nhưng thật ra mỗi thứ mỗi thuê mướn hoặc mua sắm thì tiền nào chịu nỗi trong khi Tết thì có biết bao thứ phải chi”.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều người khuyên chị em nên tin tưởng, phân công giao việc cho các thành viên. Cũng như thường xuyên trao đổi, chia sẻ kế hoạch chuẩn bị Tết với ông xã để cùng nhau lo liệu. Chị Nguyễn Thị Bích Phượng (huyện Cờ Đỏ) bộc bạch: “Chuẩn bị Tết, các thành viên trong gia đình tôi ai cũng góp sức. Tranh thủ những ngày cuối tuần, các thành viên phân chia công việc ra làm. Ông xã và con trai thì đảm nhiệm những việc nặng nhọc, ngoài trời, tôi và con gái lớn thì trang hoàng nhà cửa, đi chợ, nấu nướng. Những lúc như vậy, vợ chồng tôi không chỉ dạy các con cách làm việc nhà mà còn cảm nhận được không khí gia đình đầm ấm”. Mấy năm nay, để ăn Tết tiết kiệm, chị Phượng và con gái thường tự làm các loại bánh mứt “cây nhà lá vườn”, muối dưa kiệu, làm chả giò, pa-tê… để biếu họ hàng và đãi khách.  

Tết là khoảng thời gian thư giãn, tụ họp của các thành viên trong gia đình sau một năm lao động, học tập vất vả. Thế nên, cùng nhau san sẻ việc nhà, quây quần chuẩn bị cũng là cách làm hay để gắn kết, duy trì hạnh phúc gia đình bền chặt.

TRÂM ANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69028

Hôm nay:
24
Tháng này:
438
Tổng lượt truy cập:
69028