Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng.
Chiều 23/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam đã chủ trì họp báo quốc tế về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 sẽ diễn ra ngày 26/6. Đây là Hội nghị Cấp cao chính thức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về hợp tác ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020 trên cả ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Trưởng SOM Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam trong cương vị Chủ tịch ASEAN đã cùng các nước thành viên ASEAN khác, thực hiện nhiệm vụ kép "vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020".
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng SOM ASEAN Việt Nam và bà Lê Thị Thu Hằng - Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao điều hành buổi họp báo
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì sẽ chủ trì phiên khai mạc, phiên họp toàn thể, phiên họp đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về tăng quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Thủ tướng còn có phiên đối thoại với đại diện Thanh niên ASEAN và Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC).
Phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số là sáng kiến do Việt Nam đề xuất nhằm khẳng định cam kết của các Nhà lãnh đạo ASEAN trong thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng Cộng đồng. Hoạt động này cũng nhằm kỷ niệm 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy các quyền của phụ nữ.
Khách mời của phiên họp này là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng thư ký ASEAN Lim Jack Hoi, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Giám đốc điều hành Ủy Ban Kinh tế Xã hội châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc Armida Alisjahbana. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 sẽ phát biểu đại diện cho Việt Nam tại phiên họp đặc biệt này.
Đại diện các sứ quán và phóng viên tham gia buổi họp báo
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, Phiên họp đặc biệt về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới. Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận chính thức về việc trao quyền cho phụ nữ. Các khách mời nữ của khu vực, thế giới và Việt Nam được mời phát biểu, đánh giá về tình hình phụ nữ trong ASEAN và đưa ra đề xuất, giải pháp, ý tưởng thúc đẩy bình đẳng giới. Đây cũng là dịp để rà soát các cơ chế pháp lý, các quy định pháp luật ASEAN nào chưa đảm bảo quyền phụ nữ. Qua đó, các nước sẽ trao đổi các kinh nghiệm, mô hình, các cách làm tốt để học hỏi lẫn nhau trong thúc đẩy quyền năng của phụ nữ.
Ngự Bình (phunuvietnam.vn)