Ngày 3-10, Đoàn Giám sát Quốc hội, do đồng chí Phan Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát Quốc hội, làm Trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng chí Lê Quang Mạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố... dự buổi giám sát.
Đồng Chí Lê Quang Mạnh trao đổi tại buổi giám sát
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, thành phố hiện có 281.426 trẻ em (trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 4.215), số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2011-2015 là 116 trẻ, tất cả đều là nữ; giai đoạn 2015-2019, số trẻ em bị xâm hại là 170 trẻ, chủ yếu là xâm hại tình dục. Về xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, từ 2015-2019, Tòa án đã thụ lý 119 vụ/126 bị can, tổng số vụ Tòa án đã xét xử sơ thẩm 118vụ/125 bị can… Nhìn chung, các đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là đối tượng thiếu hiểu biết về pháp luật, không có việc làm ổn định, một số đối tượng sử dụng ma tuý, chất kích thích; một số đối tượng tiếp cận các văn hóa phẩm đồi truỵ thông qua mạng internet cũng có nguy cơ cao trở thành đối tượng xâm hại trẻ em…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi xung quanh một số vấn đề được xã hội quan tâm như: bạo lực học đường; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong phòng, chống xâm hại trẻ em; giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em… Về các giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, các đại biểu kiến nghị cần đưa chương trình bảo vệ trẻ em là chương trình mục tiêu, tạo điều kiện phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; trong đó, chú trọng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cộng tác viên có trách nhiệm bảo vệ trẻ em; đối với liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành hướng dẫnviệc áp dụng thống nhất pháp luật đối với các điều của Bộ Luật Hình sự quy định về xâm hại trẻ em nói riêng và xâm hại tình dục nói chung, hướng dẫn về hành vi “quan hệ tình dục khác” đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội đối với tội dâm ô người dưới 6 tuổi;…
Đồng chí Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Tuyết Nhung
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phan Thanh Bình nhận định: Ở TP Cần Thơ, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại trong khoảng 0,06‰, trong khi tỷ lệ chung của Việt Nam hiện nay là 1‰. Con số này cho thấy thành phố đang kềm chế tốt tệ nạn này. Tuy nhiên, trong các báo cáo của thành phố vẫn chưa nêu rõ hoàn cảnh gia đình của các nạn nhân, là người địa phương hay người di cư... Trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, thành phố cần chú trọng tuyên truyền song hành với thực hiện các biện pháp răn đe hữu hiệu. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp tái phạm do việc răn đe không đủ mạnh...
H.Y