Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và phía Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cùng chung quan điểm sẽ không sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) với các trường hợp phụ nữ bị thiệt thòi theo cách tính lương hưu mới áp dụng từ 1/1/2018.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sáng 23/4, các đại biểu nghe và thảo luận, chất vấn về tình hình thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2017.
Trong đó, các đại biểu tiếp tục đề cập việc điều chỉnh tỷ lệ lương hưu của lao động nữ khi nghỉ hưu từ năm 2018 áp dụng từ 1/1/2018, thực hiện theo Luật BHXH 2014, sẽ tác động tới khoảng 3.000 lao động nữ bị giảm lương hưu từ 6% đến 10% so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Vấn đề này được lao động nữ và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Tại phiên họp toàn thể này, Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang), tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm có những giải pháp để hỗ trợ các đối tượng phụ nữ bị thiệt thòi theo cách tính lương hưu từ 1/1/2018. Trong khi chế độ tính lương hưu cho nam và nữ là như nhau nhưng thực tế với nữ giới lại nghỉ hưu trước 5 năm, nên thiệt thòi thường nghiêng về phụ nữ. Vì vậy rất cần quan điểm của Chính phủ về vấn đề này để đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng về lương hưu cho phụ nữ và nam giới. Đồng thời, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nên kiến nghị Quốc hội, Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề lương hưu của phụ nữ từ 1/1/2018.
Ủy viên TƯ Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà
phát biểu tại phiên họp toàn thể lần 8 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết: Vấn đề thiệt thòi của phụ nữ hưởng lương hưu từ 1/1/2018, Chính phủ đã có báo cáo trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Với quan điểm của Ủy ban, ông Lợi khẳng định: “Tinh thần là sẽ không sửa luật”. Bởi chỉ có khoảng 3.000 người bị tác động mạnh từ quy định này. Nếu Chính phủ thấy cần thiết thì ra một Nghị định đề bù đắp phần thiệt thòi cho số phụ nữ bị tác động này.
Còn ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Chính phủ đã có báo cáo Quốc hội tại văn bản số 548/BC-CP ngày 21/11/2017. Trên cơ sở ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội tại văn bản số 1659/TTKQH-TH ngày 31/3/2018, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể với vấn đề lương hưu của phụ nữ từ 1/1/2018.
Theo thống kê, năm 2018 có khoảng 49.700 lao động nữ nghỉ hưu đúng tuổi 55 và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ chưa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm, tương ứng với 43% lao động nữ nghỉ hưu. Đặc biệt, có 3.000 lao động nữ phải chịu tác động và thiệt thòi khi lương hưu giảm từ 6% đến 10%.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng phương án với “tinh thần là không sửa luật”. Bởi đối tượng bị tác động mạnh là không nhiều, chỉ khoảng 3.000 người; mà sẽ tính toán phương án bù đắp cho những chị em này đỡ thiệt thòi hơn. “Phương án sẽ được trình Chính phủ quyết định trong tháng 5 này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
PVH