Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Sản phẩm khởi nghiệp

00:00 - 23/05/2019

Tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Nam vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ từ ngày 10 đến ngày 12-5-2019, hàng chục dự án kinh doanh, sản xuất và sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của hội viên phụ nữ đến từ khắp các tỉnh ĐBSCL, được giới thiệu. Năng động, sáng tạo, kết hợp khoa học kỹ thuật và tiềm năng sẵn có của địa phương hay mạnh dạn phát triển nghề truyền thống của gia đình, các chị quyết tâm đưa ý tưởng trở thành hiện thực với sản phẩm hoàn chỉnh...

Trà mãng cầu Cường Tím được trưng bày tại ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Nam. Ảnh: MỸ TÚ

Sản phẩm mật hoa dừa của cô gái Trà Vinh

Chị Thạch Thị Chal Thi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh năm 2017. Thời gian này, giá bán dừa ở quê nhà quá thấp, người trồng dừa không có lợi nhuận; vì vậy, chị tìm hiểu cách sản xuất sản phẩm mới từ cây dừa để tăng thu nhập cho nông dân. Ý tưởng thu hoạch và sản xuất sản phẩm mật hoa dừa được hình thành từ kinh nghiệm truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh. Tháng 6-2018, chị bắt tay nghiên cứu về kỹ thuật thu hoạch mật hoa dừa và chăm sóc cây dừa lấy mật. Chị Chal Thi cho biết: “Mật hoa dừa và đường hoa dừa mang đến vị ngọt tự nhiên có lợi cho sức khỏe, đặc biệt phù hợp với người bị bệnh tiểu đường. Một số nước lân cận như Thái Lan, Philippines, Indonesia đã có sản phẩm từ hoa dừa, trong khi Việt Nam là nước trồng dừa nhiều đứng thứ 8 trên thế giới lại chưa có nhà máy sản xuất sản phẩm này. Vì thế, tôi tin rằng việc sản xuất các sản phẩm mật hoa dừa tại Việt Nam sẽ rất thuận lợi. Hiện tại, với việc trồng dừa lấy mật, lợi nhuận đem lại cho nông hộ cao gấp 3 lần so với trồng dừa lấy trái”.

Trong 6 tháng đầu nghiên cứu, chị Chal Thi chỉ thu hoạch được 1 lít mật. Không nản lòng, chị cất công tìm hiểu kỹ thuật lấy mật hoa dừa từ nông hộ ở Campuchia, Thái Lan. Với kỹ thuật mới, mỗi cây dừa có thể cho 1 lít mật/một lần thu hoạch. Từ đó, doanh nghiệp mạnh dạn ký kết bao tiêu sản phẩm mật hoa dừa với 1 hộ dân ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh với 1,5ha, có khoảng 200 cây dừa. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất được thành phẩm mật hoa dừa cô đặc và đường hoa dừa. Chị Chal Thi cho biết thêm, doanh nghiệp của chị đang tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trồng, phát triển vùng dừa nguyên liệu với giống dừa chuyên lấy mật, có thể cho từ 2-5 lít mật/một lần thu hoạch sẽ giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản xuất mật hoa dừa. Dự kiến năm 2020, doanh nghiệp sẽ ký kết bao tiêu mật hoa dừa với 20 nông hộ trồng dừa tại Trà Vinh. Ngoài việc đảm bảo nguồn thu nhập cho nông hộ trồng dừa, doanh nghiệp của chị Chal Thi đang tạo việc làm với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng cho 12 lao động.

Trà mãng cầu của cơ sở Cường  Tím

Cơ sở Cường Tím ở ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ chuyên kinh doanh mặt hàng lúa gạo, bắt đầu sản xuất trà mãng cầu mới hơn 4 tháng nay, nhưng đã được nhiều khách hàng quan tâm. Thời điểm cuối 2018, đầu năm 2019, giá mãng cầu xuống thấp, người dân tận dụng xắt, sao, phơi để dành uống. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Tím đưa ra ý tưởng sản xuất sản phẩm trà chuyên nghiệp để cung cấp ra thị trường, giúp giải quyết đầu ra tốt hơn và nâng cao giá trị của trái mãng cầu.

Trà mãng cầu là sản phẩm khá phổ biến ở các tỉnh lân cận: Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Vì thế, trà mãng cầu Cường Tím đứng trước thử thách cạnh tranh khá gay gắt. Anh Nguyễn Phát Đạt, thành viên cơ sở Cường Tím cho biết: “Chúng tôi hướng đến sản xuất sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất dành cho người tiêu dùng, từ việc giữ dưỡng chất tốt nhất có lợi cho sức khỏe đến hương vị trà thơm ngon tự nhiên bằng kỹ thuật sản xuất riêng. Sản phẩm được gởi cơ quan chức năng phân tích và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm đúng quy định. Có khách hàng qua một lần sử dụng đã chuộng mua sản phẩm hằng tuần để chuyển ra nước ngoài kinh doanh. Và mới đây, cơ sở Cường Tím đã được một doanh nghiệp mời tham gia trưng bày sản phẩm ở hạng mục đặc sản Việt Nam trong hội chợ hàng Thái Lan sẽ được tổ chức tại Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh vào tháng 8 tới”.

Công suất sản xuất trung bình của cơ sở hiện đạt 500-600kg trà/tháng. Để đảm bảo chất lượng và sản lượng trà cung ứng cho thị trường, cơ sở Cường Tím ký kết bao tiêu sản phẩm với nông hộ có 400 gốc mãng cầu. Đồng thời, cơ sở thuê lao động tại địa phương xắt, phơi mãng cầu một nắng giao cho cơ sở với giá 120.000 đồng/kg.

Bên cạnh dự án sản xuất mật hoa dừa của chị Thạch Thị Chal Thi hay trà mãng cầu phát triển từ ý tưởng của chị Nguyễn Thị Tím, còn có nhiều sản phẩm khá ấn tượng: cà chua sạch của chị Lê Thị Lệ Phương ở tỉnh Lâm Đồng, các sản phẩm muối ăn truyền thống của chị Phan Thị Nhiền (Út Nhiền) ở tỉnh Tây Ninh, mỹ phẩm thiên nhiên từ dừa của chị Nguyễn Thị Ngọc Như ở tỉnh Bến Tre,… Tuy có những sản phẩm vẫn chưa chính thức được tham gia thị trường, hay có những sản phẩm chưa được đăng ký thương hiệu, còn đối mặt nhiều khó khăn cạnh tranh thị trường nhưng những nỗ lực của các chị trong việc đưa ý tưởng trở thành hiện thực với các sản phẩm đạt chất lượng là rất đáng trân trọng.

MỸ TÚ

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68739

Hôm nay:
5
Tháng này:
149
Tổng lượt truy cập:
68739