Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Quy trình và thủ tục đăng ký chứng nhận là sản phẩm OCOP

09:37 - 04/02/2021

Theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tôi được biết sản phẩm phải có chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Vậy, quy trình và thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu sản phẩm như thế nào? Ðể sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP thì phải làm gì?

Trường Sơn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) Luật sư Lê Công Hậu, Công ty Luật TNHH MTV Lê Hoàng, tư vấn như sau:

Về quy trình, thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý: Chỉ dẫn địa lý chính là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa như từ ngữ, dấu hiệu, hình ảnh để chỉ một quốc gia, một vùng lành thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Ví dụ: nước mắm Phú Quốc; cà phê Buôn Ma Thuột... 

Trình tự thực hiện: bước 1: nộp hồ sơ (nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh và Ðà Nẵng hoặc nộp qua đường bưu điện); bước 2: thẩm định hình thức đơn; bước 3: ra thông báo tiếp nhận (đơn hợp lệ) hoặc thông báo từ chối tiếp nhận (đơn không hợp lệ); bước 4: công bố đơn trên công báo sở hữu công nghiệp; bước 5: thẩm định nội dung đơn; bước 6: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ.  

Thành phần hồ sơ gồm: tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý; bản mô tả tính chất/chất lượng/danh tiếng của sản phẩm; bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý; bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ). Ngoài các tài liệu trên, trong một vài trường hợp, tổ chức, cá nhân cần bổ sung các tài liệu khác, như: tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ ở nước xuất xứ và bản dịch tiếng Việt (đối với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài); giấy ủy quyền thực hiện thủ tục (nếu nộp đơn thông qua đại diện). 

Về quy trình, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành phần hồ sơ gồm: tờ khai đăng ký nhãn hiệu; tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện nhãn hiệu dự định đăng ký; danh mục sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp dự định sử dụng nhãn hiệu; bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư nếu chủ sở hữu là tổ chức, giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân tương đương khác của chủ sở hữu là cá nhân; chứng từ đã nộp phí, lệ phí.

Về trình tự thực hiện: thời gian thẩm định hình thức: 1-2 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; công bố đơn trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ 2 tháng; thẩm định nội dung của nhãn hiệu 9-12 tháng; cấp và công bố giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho chủ sở hữu 1-2 tháng kể từ ngày có thông báo dự định cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Về quy trình để sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm OCOP nộp về UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, hồ sơ để đề xuất đánh giá sản phẩm OCOP gồm tài liệu bắt buộc và tài liệu minh chứng bổ sung. Cụ thể: tài liệu bắt buộc gồm phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm; phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm; giới thiệu bộ máy tổ chức; giấy đăng ký kinh doanh; sản phẩm mẫu. Tài liệu minh chứng bổ sung gồm: giấy đủ điều kiện sản xuất; công bố chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố; mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; nguồn gốc nguyên liệu, liên kết chuỗi; bảo vệ môi trường; hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, kiểm soát chất lượng; kế toán; phát triển thị trường, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; câu chuyện về sản phẩm; kế hoạch kiểm soát chất lượng, ghi hồ sơ lô sản xuất; giải thưởng của sản phẩm, bình chọn của các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.

Theo Bao Can Tho

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68308

Hôm nay:
29
Tháng này:
783
Tổng lượt truy cập:
68308