“Nếu hình phạt mà mang tính răn đe, thì phải ưu tiên khởi tố hình sự. Khi ra tòa, tùy theo hành vi vi phạm mà HĐXX có thể xử phạt tù, cải tạo không giam giữ hay án treo. Còn nếu chỉ phạt tiền, thì mục đích răn đe không đạt được mà đôi khi còn phản tác dụng”.
Đó là chia sẻ của luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và anh em (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) với PNVN về đề xuất nâng mức xử phạt đối với hành vi quấy rối tình dục mà Bộ Công an đang lấy ý kiến dư luận.
Trước đó, Bộ Công an đã công bố Dự thảo lần 2 Nghị định sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy và phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo Khoản 4, Điều 5 của dự thảo quy định việc xử phạt các vi phạm về trật tự công cộng, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ quấy rối tình dục khiến dư luận bức xúc. Dư luận càng bức xúc hơn khi mức phạt cho những đối tượng quấy rối chỉ là 200.000 đồng. Vậy, với đề xuất trên của Bộ Công an, liệu mức phạt đã thực sự đủ sức răn đe?.
Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội
Chị Lê Thị Vân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, dự thảo đã tăng mức phạt tiền so với hiện nay lên từ 15 đến 25 lần. Tuy nhiên, mức phạt như vậy vẫn chưa đủ, nhất là ở khu vực thành phố hay nhũng người có điều kiện. Thử xem, nếu gặp những cô gái ngoại hình dễ nhìn đi một mình trong thang máy hay chỗ vắng, một số người sẽ sàm sỡ, quấy rối. Bởi họ cho rằng, nếu bị phạt thì vài triệu đồng không phải là lớn. Đó chỉ tương đương một bữa nhậu, hay một chai rượu ngoại thuộc hạng trung bình.
Chị Vân cho rằng, cần phải tăng mức phạt đối với hành vi quấy rối tình dục lên mức từ 10 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, cần phải có hình thức phạt bổ sung như công khai danh tính nơi đối tượng vi phạm cư trú và trên các phương tiện truyền thông. Có như thế, thì các đối tượng khi có ý định vi phạm thì sẽ phải “chùn tay”.
Còn chị Lê Thị Huyền (ở Hà Nội), hiện đang là nghiên cứu sinh tại Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản, hành động tấn công tình dục sẽ bị xử lý rất nặng. Ngoài phạt tiền, đối tượng vi phạm còn có thể phải chịu mức án từ 5 năm đến 20 năm tù giam. Do đó, với mức đề xuất xử phạt của Bộ Công an, chị Huyền cho rằng như thế là quá nhẹ.
“Nếu phạt tiền, tôi cho rằng cần tăng lên mức từ 6 đến 12 tháng lương theo mức lương cơ sở. Đồng thời, cơ quan nơi người vi phạm công tác khi nhận được thông báo xử lý vi phạm của cơ quan công an thì chấm dứt hợp đồng lao động, đuổi việc mà không cần phải họp hội đồng kỷ luật. Có như vậy mới răn đe được các đối tượng vi phạm”, chị Huyền nói.
Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho rằng, mục đích ban hành quy phạm pháp luật để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật của người dân. Qua những vụ việc quấy rối tình dục nơi công cộng thời gian gần đây khiến dư luận bức xúc, Bộ Công an muốn nâng mức xử phạt để hạn chế xảy ra tình trạng tương tự.
Hành vi quấy rối tình dục cần phải xử lý hình sự mới đủ sức răn đe. Ảnh ST
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung, việc xử lý hành vi quấy rối tình dục đã được quy định cơ bản trong Bộ luật Hình sự 2015, trong đó phạt tiền là hình phạt bổ sung. Còn khi xảy ra vụ việc vi phạm, nếu người vi phạm chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện để khởi tố vụ án thì phải tuân thủ pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.
Với mức phạt Bộ Công an đưa ra cho hành vi quấy rối tình dục từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho rằng không thể định lượng được mức phạt như vậy là nặng, nhẹ hay thỏa đáng bởi nó chỉ là hình phạt bổ sung. Thực tế, 5 triệu đồng đối với người thu nhập thấp thì đó là khoản tiền lớn, nhưng với người thu nhập cao thì đó là khoản tiền nhỏ. Nếu quy định cứng như thế thì những người thu nhập cao sẵn sàng bỏ vài triệu đồng nộp phạt để vi phạm, nhất là khi gặp những cô gái, người mẫu xinh đẹp.
“Mức phạt mà Bộ Công an đưa ra chưa biết thế nào là thỏa đáng mà chỉ là xoa dịu dư luận về những hành vi ấy đã xảy ra trong thời gian qua”, Luật sư Trung nói.
Luật sư Trung cho rằng, nếu hình phạt mà mang tính răn đe, thì phải ưu tiên khởi tố hình sự. Khi ra tòa, tùy theo hành vi vi phạm mà tòa có thể xử phạt tù, cải tạo không giam giữ hay án treo, còn phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung. Do đó, nếu đưa hình phạt tiền vốn là hình phạt phụ thành hình phạt chính thì mục đích ban hành các quy định pháp luật cả về xử phạt vi phạm hành chính cũng là không đạt được.
“Các vụ quấy rối tình dục cần phải khởi tố hình sự mới mang tính răn đe như vụ việc ở Quận 4 (TP.HCM) vừa qua, chứ phạt vài trăm ngàn thậm chí vài chục triệu đồng thì mục đích răn đe là không đạt được. Nếu mục đích răn đe không đạt được thì đôi khi còn phản tác dụng, có khi người ta sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để vi phạm. Do đó, với hành vi quấy rồi tình dục nơi công cộng thì nên đẩy hình phạt chính là tội phạm hình sự để răn đe. Còn hình phạt tiền, nếu có đẩy mức cao như thế nào đi nữa thì mục đích răn đe cũng không đạt được”, Luật sư Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.
Tại các nước, hành vi quấy rối tình dục bị xử lý như thế nào? - Tại bang California (Mỹ) đối tượng quấy rối tình dục có thể phải ngồi tù từ 24 đến 48 tháng và nộp phạt lên tới 10.000 USD. Còn ở New York, mức phạt tối thiểu dành cho tội phạm quấy rối tình dục là 1 năm tù và tối đa là 7 năm tù. - Tại Canada, hình phạt cho tội tấn công tình dục là ngồi tù 6 tháng đến 14 năm tù. Ngoài ra, khi mãn hạn tù, người vi phạm bị cấm làm việc tại những nơi có thể đe dọa đến người khác như cơ sở giáo dục, y tế, các khu vực an toàn của trẻ em. - Tại Anh, những người phạm tội quấy rối tình dục có thể đối mặt với hình phạt tối đa lên tới 10 năm tù. - Tại Philippines, người có hành vi quấy rối tình dục bị phạt tù từ 1 đến 6 tháng; hoặc bị phạt từ 200 - 400 USD, hoặc cả hai hình phạt trên. |
Linh Trần