Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Phát triển kinh tế bền vững Phải thay đổi từ nhận thức đến hành động

21:18 - 03/07/2018

Phát triển kinh tế theo hướng bền vững là mục tiêu nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến. Tại Việt Nam, khái niệm này cũng được đề cập rất nhiều trong những năm gần đây với nhiều trăn trở: phát triển bền vững là gì, giải pháp thế nào, vai trò các bên có liên quan cần thể hiện ra sao để đáp ứng nhu cầu hôm nay, nhưng lại không ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai...

Sơ chế trái cây tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây, Khu Công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng.

Yêu cầu từ thực tiễn

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL có bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2001-2010 (khoảng 10%/năm). Sự bứt phá nói trên chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp, phát triển kinh tế xanh. Bước sang giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng có chiều hướng đi xuống và đạt khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm được đánh giá là xu hướng tất yếu và mang tính ổn định. Cũng trong giai đoạn này, các địa phương vùng ĐBSCL nhận ra rằng, ĐBSCL là đồng bằng sinh thái, đồng bằng xanh, rất dễ mẫn cảm với tác động của công nghiệp hóa. Đồng thời, quá trình phát triển kinh tế cũng đặt ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường, khí thải, phúc lợi cho người lao động… Từ  đó, vấn đề định hướng doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội, môi trường đã và đang được đặt ra.

Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs) đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 2015. SDGs bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững, với 169 chỉ tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng, bất công và biến đổi khí hậu cho đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của các DN trong việc thực hiện thành công SDGs bên cạnh vai trò của Chính phủ và các tổ chức quốc tế. "SDGs có 17 mục tiêu cần có sự tham gia tích cực từ cộng đồng DN và DN tham gia sẽ được hưởng lợi không nhỏ từ việc thực hiện phát triển bền vững. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, việc đưa phát triển bền vững vào trọng tâm chiến lược hoạt động kinh doanh hay thực hiện tốt 17 mục tiêu SDGs sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 12.000 tỉ USD đến năm 2030. Cơ hội này chỉ dành cho những DN thức thời, sớm theo đuổi chiến lược phát triển bền vững"- ông Nguyễn Phương Lam khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: "TP Cần Thơ hiện có 8.000 DN đang hoạt động, chiếm khoảng 26% DN vùng ĐBSCL. Để đưa đội ngũ DN thành phố phát triển bền vững, thời gian qua, TP Cần Thơ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ như: cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư. Đồng thời, tập trung mọi nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo…". Có thể thấy, TP Cần Thơ là đại diện tiêu biểu cho vùng ĐBSCL trong việc thể hiện nỗ lực và quyết tâm đưa đội ngũ DN phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu trên, DN còn phải đối đầu với nhiều thách thức như: áp lực đối với sự phát triển chung với hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe; quy mô và năng lực quản lý DN còn hạn chế; vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường; sản xuất kinh doanh trong điều kiện biến đổi khí hậu… 

Thế nào là phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: "Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó. Tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, một DN phát triển bền vững phải đảm bảo được 3 phương diện chính: Tăng trưởng bền vững của DN đóng góp vào tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; Đóng góp cho sự phát triển bền vững của xã hội; Chung tay bảo vệ môi trường".

Từ thực tế hoạt động tại đơn vị, ông Nguyễn Thanh Thống, Giám đốc Trường Phổ thông Thái Bình Dương, chia sẻ: Để phát triển bền vững, ngay từ lúc khởi nghiệp, DN cần có định hướng về tầm nhìn và sự hoạch định thật rõ, chi tiết về sự phát triển của đơn vị như: sản phẩm, cơ cấu tổ chức, trang thiết bị, phân khúc khách hàng mục tiêu, tầm nhìn chiến lược theo từng giai đoạn, mức độ chuyên nghiệp trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ... Từ đó kiên trì bám sát mục tiêu chiến lược, sáng tạo và cải tiến liên tục sản phẩm, dịch vụ và phương pháp quản lý. Mặt khác, DN cần xác định sứ mạng của đơn vị và sứ mạng này phải gắn liền với lợi ích cộng đồng; giải quyết công ăn việc làm; bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Đơn cử như: chất lượng dịch vụ, sản phẩm đạt được sự hài lòng cao nhất từ khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư và đạt được sự ổn định, vững bền theo thời gian; đáp ứng kịp thời nhanh chóng nhu cầu xã hội; môi trường sống, làm việc, giải trí, nghỉ ngơi an toàn, an ninh, khỏe, thoải mái, thân thiện môi trường…

Theo ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên hàm Vụ phó, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, chung tay vì sự phát triển bền vững của DN, Chính phủ nên đưa nội dung về hỗ trợ DN phát triển thành nhiệm vụ thường xuyên tại các phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề với các hiệp hội DN, DN trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết các khó khăn cả về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính và các điều kiện cần thiết trong nhiều vấn đề như vay vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực… Song song đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử cần được thực hiện sớm để đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, thiết lập các kênh tương tác để DN gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ảnh, kiến nghị có liên quan; áp dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền phổ biến kiến thức luật pháp giúp giảm chi phí cho DN và cải thiện tính minh bạch, hiệu quả của hệ thống pháp luật...

Như vậy, phát triển kinh tế bền vững là xu thế tất yếu phải hướng đến trong tương lai. Bởi theo các chuyên gia, nếu giữ mô hình tăng trưởng như hiện tại thì tương lai nước ta sẽ vô cùng nghèo nàn, thiếu hụt tài nguyên và phải hứng chịu nhiều hệ lụy không mong muốn khác. Và để đạt được mục tiêu nói trên thì các bên có liên quan, đặc biệt là DN phải thay đổi nhận thức cả trong tư duy và hành động.

Theo Bài, ảnh: MỸ THANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69163

Hôm nay:
8
Tháng này:
573
Tổng lượt truy cập:
69163