Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng, Chính quyền và hợp tác quốc tế. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị và Nghị quyết nhằm giải phóng phụ nữ; nhiều chính sách bình đẳng nam nữ cũng được tiếp tục thể hiện nhất quán trong Hiến pháp và được Quốc hội thông qua.
Khẳng định vai trò phụ nữ trong thời kỳ hội nhập
Trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Vai trò này đang được khẳng định một cách rõ nét hơn bao giờ hết.
Sau gần 30 năm đổi mới, cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới, tại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội đạt 26,8%, tăng 2,71% so với khóa XIII, xếp thứ 54/190 quốc gia được xếp hạng trên thế giới, đứng thứ tư trong 10 nước Đông Nam Á có nghị viện. Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV, lần đầu tiên Việt Nam có nữ giới được bầu làm Chủ tịch Quốc hội. Trình độ của nữ giới cũng ngày một cao, trong các trường đại học có 19% tiến sĩ là nữ, 38% thạc sĩ là nữ; trong các trường cao đẳng tỷ lệ tương ứng là 27% và 44%... Đây là những con số sinh động, là bằng chứng chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.
Các nữ đại biểu Quốc hội khóa XII thăm Phủ Chủ tịch ngày 25-5-2008. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu, những nữ anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Đặc biệt, theo số liệu nghiên cứu của Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HAWASME), trong tổng số gần 500.000 doanh nghiệp, có trên 100.000 doanh nghiệp do nữ làm lãnh đạo, phần lớn là vừa và nhỏ nhưng cũng thể hiện được sự phân công xã hội trong phấn đấu bình đẳng giới. Đặc biệt trong những tháng gần đây, chỉ số giá cả tăng nhanh, thách thức đối với doanh nghiệp không nhỏ. Nhưng các doanh nhân nữ của chúng ta đã góp phần quan trọng cho sự ổn định kinh tế đất nước… Các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý tạo việc làm cho khoảng 1,63 triệu lao động, trong đó, có 0,75 triệu lao động nữ; nộp ngân sách 61,8 nghìn tỉ đồng; tổng tài sản 3.858 nghìn tỉ đồng. Nghiên cứu cũng cho thấy, các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, có thiên hướng sử dụng nhiều lao động nữ hơn và tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng nhanh hơn so với nam giới.
Nhận thức xã hội về bình đẳng giới trong nhiều năm qua được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên Hợp Quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ. Việt Nam thuộc nhóm các nước có thành tựu về bình đẳng giới tốt nhất khu vực Đông Nam á. Tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm đạt 46,5% trong tổng số lao động được giải quyết việc làm của cả nước. Giảm tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở thành thị từ 6,98% năm 2001 xuống còn 6,14% năm 2005.
Hướng tới phát triển phụ nữ toàn diện
Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, các cấp hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Việc tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" được triển khai đồng bộ nhằm định hướng hội viên, phụ nữ phấn đấu rèn luyện, hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Đặc biệt, trong 5 năm qua, việc vận động phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững đã vận động được trên 12 triệu hội viên, phụ nữ tham gia với tổng số tiền tiết kiệm tạo nguồn vốn phát triển sản xuất lên tới gần 8,2 nghìn tỉ đồng (vượt chỉ tiêu gần 3,2 nghìn tỉ đồng); hỗ trợ gần 5,4 triệu lượt hộ nghèo (trong đó trên 2,4 triệu lượt hộ do phụ nữ làm chủ) và trên 430 nghìn hộ phụ nữ nghèo đã thoát nghèo; thành lập được trên 6.500 mô hình kinh tế hợp tác, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ; vận động, xây dựng, sửa chữa 19.688 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, vượt 96,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả. Đến nay, cả nước có gần 17 triệu hội viên, tăng hơn 1,6 triệu so với đầu nhiệm kỳ. Đội ngũ cán bộ cán bộ cấp huyện và cơ sở được tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ, đạt chuẩn chức danh (vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ).
Những nỗ lực, đóng góp của hội viên, phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý 16.587 huân, huy chương các loại; 2.399 chị được phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước; các cấp Hội được tặng 36 Huân chương Độc lập các hạng, 285 Huân chương Lao động các hạng, 53 Cờ thi đua Chính phủ, 787 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Hướng tới phát triển phụ nữ toàn diện, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, thời gian tới các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đặc biệt, các cấp Hội triển khai sâu rộng, đồng bộ Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Để phong trào phụ nữ có sự lan tỏa rộng rãi, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững; khuyến khích tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, phấn đấu làm giàu; triển khai hiệu quả đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2027"; đổi mới công tác dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hội nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước chuyển đổi, bổ sung chức năng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội….
Trong buổi làm việc mới đây với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, thời gian tới, Hội Phụ nữ cần có cách nhìn mới, phương thức hoạt động mềm dẻo, phù hợp hơn về công tác tập hợp hội viên, nhất là cần tạo sức hút, tập hợp phụ nữ thông qua việc vận động phụ nữ tham gia các hoạt động, phong trào của Hội. Các hoạt động, phong trào của phụ nữ cần phải tiếp tục triển khai theo hướng hiệu quả, có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
Có thể khẳng định, phụ nữ Việt Nam luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phụ nữ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đồng thời luôn là chỗ dựa tin cậy cho mỗi mái ấm gia đình, xây dựng cuộc sống ngày càng giàu đẹp, ấm no và hạnh phúc.l
Đỗ Bình (TTXVN)