Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Những người con hiếu thảo Bài 3: Sợi dây gắn kết yêu thương

19:22 - 16/11/2017

Hai người con hiếu thảo mà chúng tôi sắp giới thiệu một là con trai duy nhất và một là con dâu út sống trong những gia đình có nhiều thế hệ. Họ đều ý thức vai trò trụ cột của mình trong gia đình và tự giác đảm đương, gánh vác với tấm lòng yêu thương chân thành, với mong muốn góp phần xây dựng, vun đắp cho gia đình mình no ấm, luôn hòa thuận, hạnh phúc…

Trụ cột gia đình

Thanh Toàn (bìa trái) luôn mong muốn duy trì bữa cơm gia đình như là cách để gắn kết các thành viên. Ảnh: CTV

Phùng Thanh Toàn, ở khu vực Phú Xuân, phường Phú Thứ, quận Cái Răng có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt thư sinh, hiền lành. Thoạt nhìn, ít ai ngờ chàng thanh niên ấy gánh trên vai trách nhiệm to lớn đối với “đại gia đình”. Phía sau Toàn còn có cha mẹ gần 60 tuổi và 3 người cô ruột tuổi cũng đã ngoài 60. Toàn bộc bạch: “Cha tôi là con trai út, lập gia đình rồi sống chung, chăm sóc phụng dưỡng bà nội (Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lẹ - PV). Các cô tôi không có gia đình riêng nên cũng sống chung nhà. Mấy tháng trước, bà tôi mất, trách nhiệm của tôi bây giờ không chỉ chăm lo, hiếu thảo với cha mẹ mà còn chăm sóc, phụng dưỡng các cô lúc tuổi già”. Hiện tại, Toàn cũng chỉ mới phụ cha tập tành tiếp quản nhà cửa, chăm sóc vườn tược. Cha Toàn tuổi đã cao, Toàn lại là con trai duy nhất nên hầu như những việc vất vả, nặng nhọc trong gia đình Toàn đều gánh vác. Toàn cũng cố gắng học hỏi, nắm bắt khoa học kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc 20 công vườn trồng chanh không hạt và mít Thái.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có ông nội và bác hai là liệt sĩ, bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, được sự quan tâm giáo dục của gia đình, Toàn luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội. Toàn kể, trước đây, khi bà nội còn sống, do tuổi cao, đi lại khó khăn nên Toàn lúc nào cũng cận kề chăm sóc bà, đưa bà đi khám bệnh. Ấn tượng của Toàn về bà rất sâu đậm. Lúc còn sống bà rất yêu thương, lo lắng cho con cháu. Vì vậy, Toàn luôn ngoan ngoãn, chăm học và không bao giờ làm bà buồn. Toàn chia sẻ: “Bà tôi hay có thói quen phải đợi con cháu về nhà đủ hết mới an tâm đi ngủ. Biết tính bà nên tôi luôn “đi thưa về trình”, đi đâu cũng tranh thủ về sớm. Những lúc bận công việc đột xuất đều thông báo trước để bà khỏi đợi”. 

Toàn chia sẻ: “Tôi đã tốt nghiệp Trung cấp Luật và cũng có ý định xin việc làm đúng chuyên môn. Nhưng do gia cảnh đơn chiếc, tôi quyết định ở nhà phụ giúp gia đình và tham gia công tác địa phương”. Cũng nhờ tham gia công tác Đoàn, với vai trò là Bí thư Chi đoàn khu vực, Toàn gặp gỡ và kết hôn với cô gái Nguyễn Thị Như Ý, Bí thư Chi đoàn khu vực An Phú. Nhắc đến ông xã Thanh Toàn, Như Ý kể với giọng đầy yêu thương, nể phục: “Lúc đầu, một số người biết hoàn cảnh của anh cũng khuyên em suy nghĩ kỹ trước khi kết hôn, bởi anh Toàn rất nặng gánh gia đình. Nhưng với em, sự hiếu thảo, hết lòng chăm lo cho gia đình của anh chính là “điểm cộng””. 

Từ khi kết hôn, Toàn càng tỏ rõ trách nhiệm của mình đối với gia đình. Theo Toàn, vai trò “trụ cột gia đình” của người đàn ông rất quan trọng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, sức khỏe cho các thành viên, mà còn điều hòa các mối quan hệ, giữ gìn truyền thống, nền nếp gia đình. Đặc biệt là việc duy trì bữa cơm gia đình hay việc các thành viên trong gia đình tụ họp, tổ chức làm bánh, ăn uống vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, dịp lễ, Tết…chính là sợi dây gắn kết, làm cho tình cảm gia đình thêm bền chặt. 

Toàn rất bất ngờ và xúc động khi được vinh danh là một trong 25 tấm gương hiếu thảo của thành phố. “Tôi nghĩ những việc mình làm trong gia đình từ trước đến giờ chỉ là những việc nên làm, là bổn phận của con cháu đối với cha mẹ và những người thân yêu. Đặc biệt, các cô của tôi luôn thương yêu, dìu dắt, dạy bảo tôi như con ruột. Đó cũng là truyền thống, vốn quý mà tôi sẽ dạy con mình sau này ” - Toàn vừa kể, vừa âu yếm nhìn người vợ thương yêu đang mang thai hơn 5 tháng.

Thương mẹ chồng như mẹ ruột

Nhắc đến cô con dâu hiền lành, hiếu thảo của mình, bà Lê Thị Lệ, ở khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy tấm tắc khen: “Con dâu tôi thật thà, đảm đang lắm. Lúc mới về làm dâu còn rụt rè, nhút nhát. Vậy mà khi  mở tiệm tạp hóa buôn bán, nó biết tính toán, cân đối chi tiêu, quán xuyến chu toàn mọi việc, tánh tình cũng cởi mở, bãi buôi hơn…”. Thấy hai mẹ con bà Lệ suốt ngày cứ quấn quýt, thân thiết, người ngoài cứ ngỡ hai người là mẹ con ruột. Cũng theo bà Lệ, “bí quyết” tạo nên mối quan hệ khắn khít này trước hết mẹ chồng phải thực sự yêu thương, đối đãi chân tình, cởi mở thì dâu sẽ ngoan ngoãn, đối xử hiếu kính với mình.

Chị Lê Thị Lệ Tho cũng kể về mẹ chồng mình với giọng xúc động và đầy yêu thương: “Tôi luôn coi mẹ chồng như mẹ ruột. Gia đình chồng luôn yêu thương, đối đãi với tôi như bát nước đầy. Mẹ chồng tôi rất dễ chịu, có điều chi không vừa ý là tận tình rầy dạy. Mẹ cũng chính là quân sư giúp “gỡ rối” mỗi khi tôi gặp những bất hòa, sóng gió trong hôn nhân”. Theo lời chị Tho, chồng chị bình thường cũng rất yêu thương vợ con, biết chăm lo cho gia đình nhưng lại có tính ham chơi, hay la cà, nhậu nhẹt. Có lần chồng chị đem xe máy đi cầm hoặc giấu vợ mượn nợ để tiêu xài, chị rất giận. Nhờ mẹ chồng hòa giải mà vợ chồng chị “qua cơn sóng gió”.

Chị Lê Thị Lệ Tho tất bật với cuộc sống mưu sinh nhưng vẫn không quên bổn phận vợ hiền, dâu thảo. Ảnh: P. LAM

Gần 15 năm trước, anh Lê Duy Thanh - con trai bà Lệ được người quen mai mối cưới chị Tho (quê ở xã Giai Xuân) lúc bấy giờ đang học nghề may. Bà Lệ kể: “Lúc đó tôi có ý tìm con dâu để cưới vợ cho thằng út. Nghe người bà con khen Tho là người giỏi giang, hiền dịu nên mang cau trầu sang hỏi cưới. Từ đó đến nay, Tho sống chung, chăm sóc, hiếu thảo với cha mẹ chồng và làm tròn bổn phận con dâu”. Bà Lệ có 4 người con (2 trai, 2 gái), đều đã có gia đình riêng, chị Tho là con dâu út. Trước đây, gia đình sống bằng nghề làm ruộng. Mấy năm nay, vợ chồng bà tuổi cao nên cho người khác thuê đất, thu nhập chính của gia đình 6 nhân khẩu chủ yếu dựa vào tiệm tạp hóa của chị Tho.

Chị Tho vừa quán xuyến nhà cửa, chăm sóc, nuôi dạy con vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Chị Tho kể: “Sau khi lập gia đình, tôi làm công nhân xí nghiệp được 2 năm thì nghỉ ở nhà sinh con. Đến khi con cứng cáp, ở nhà mãi cũng chán lại không có thu nhập, tôi bàn với chồng mở quán bán nước giải khát cặp bên tiệm sửa xe của chồng. Sau đó, được Hội LHPN phường giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi lấy quần áo may sẵn bán… Sau một thời gian thua lỗ quá nên tôi chuyển sang bán tạp hóa, làm bánh bán, rồi dần mở rộng kinh doanh, lấy thêm trái cây, đồ rẫy… bán kèm”. Hiện tại, tiệm tạp hóa của chị Tho khá đông khách, phải mướn thêm hai người bán phụ. Chị Tho chia sẻ: “Trong gia đình, ba mẹ chồng tôi luôn gương mẫu, nêu gương cho con cháu. Học tập ba mẹ, tôi luôn dành thời gian chăm sóc gia đình, hiếu kính với ba mẹ, thương yêu chồng con, nuôi dạy hai con chăm ngoan, hiếu thảo…để gia đình luôn được vui vẻ hòa thuận…”. 

Phương Lam-Quốc Thái

 

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

69215

Hôm nay:
18
Tháng này:
625
Tổng lượt truy cập:
69215