Lần đầu tiên, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên TP phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Người Cao tuổi thành phố tổ chức tuyên dương 25 tấm gương “Những người con hiếu thảo” cấp thành phố. Những câu chuyện hiếu nghĩa của họ tựa như những viên ngọc sáng lấp lánh giữa đời thường.
Nếu ai đó còn giữ quan niệm “Nữ nhi ngoại tộc” thì khi gặp gỡ những người con gái hiếu thảo mà chúng tôi sắp giới thiệu, chắc hẳn sẽ ao ước có được một cô con gái như thế. Câu chuyện của họ cho thấy dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù nghèo khó, con cái vẫn có nhiều cách để báo đáp công ơn cha mẹ, nếu thật sự muốn làm.
Quạt nồng ấp lạnh
Đến ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, hỏi tìm nhà bà Thạch Thị Đầm, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp, chúng tôi nghe nhiều người ngợi khen về lòng hiếu thảo đối với mẹ già của bà. Tuy hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, chồng mất, một mình làm lụng nuôi con nhưng bà luôn dành thời gian chăm sóc mẹ chu đáo. Bà Đầm bộc bạch: “Gia đình tôi có 6 anh em nhưng chỉ có một mình tôi là gái. Khi lập gia đình, tôi sống chung bên chồng, rồi ra riêng nên ít có điều kiện chăm sóc mẹ. Nay mẹ tuổi đã cao, sức khỏe kém, chăm sóc mẹ là bổn phận, phúc phần của con cái”. Cũng theo bà Đầm, trước đây mẹ của bà sống với gia đình người em thứ 5, bà cũng thường tới lui chăm sóc. Thấy hoàn cảnh gia đình người em đơn chiếc, vợ chồng đi làm cả ngày nên bà rước mẹ về nhà mình chăm sóc, phụng dưỡng hơn 10 năm nay.
Bà Thạch Thị Đầm tận tình chăm sóc mẹ già từng miếng ăn giấc ngủ. Ảnh: Q. LAM
Cụ Thạch Thị Cương, mẹ ruột của bà Đầm, đã 90 tuổi. Tuy lưng hơi còng, đi lại có phần khó khăn nhưng trông bà còn minh mẫn, hồng hào vì được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Bà Đầm kể về mẹ với giọng đầy yêu thương: “Từ trước đến nay mẹ tôi ăn uống rất đúng giờ; sau 3 giờ chiều là không ăn thêm gì nữa. Mẹ cũng có thói quen tắm nước nóng từ hồi còn trẻ… Sáng nào cũng vậy, việc đầu tiên tôi làm khi thức dậy là đến hỏi han xem mẹ ngủ có ngon không và thèm ăn món gì để tôi mua về nấu cho mẹ. Dù bận rộn đến mấy, tôi cũng phải tranh thủ nấu nước tắm cho mẹ mỗi ngày. Những lúc trái gió trở trời, tôi thường xuyên xoa bóp chân tay cho mẹ. Nghe mọi người bảo rằng ngâm nước muối giúp giảm thốn gót chân, tôi cũng hay làm… Tôi làm tất cả mọi việc mong mẹ vui, khỏe, sống lâu dài bên con cháu”.
Nghe con gái kể chuyện, cụ Thạch Thị Cương cười móm mém nói: “Nó chiều tôi lắm”. Trong mắt người mẹ lấp lánh niềm hạnh phúc khi tuổi già được sống trong vòng tay ấm áp của con cháu. Bà Đầm chia sẻ: “Mẹ tuổi đã cao nên đôi khi tánh tình có chút cố chấp, hay hờn mát và hay quên. Có hôm vừa ăn cơm xong, lát sau mẹ lại kêu dọn cơm; hoặc mới tắm xong, mẹ lại kêu dẫn đi tắm. Những lúc như vậy, tôi nhẹ nhàng giải thích, thuyết phục mẹ. Nhưng nếu mẹ cương quyết quá, tôi cũng đành chiều. Những lúc ở nhà rảnh rỗi, tôi thường xuyên trò chuyện cùng mẹ, nhất là kể cho mẹ nghe những chuyện liên quan đến con, cháu… tạo tinh thần lạc quan, thoải mái cho mẹ để mẹ luôn cảm thấy được quan tâm”.
Với mẹ chồng, bà Đầm cũng một lòng yêu thương, hiếu kính như mẹ ruột. Bà Đầm trải lòng: “Thật ra người mẹ chồng mà mấy năm qua tôi thường tới lui chăm sóc, thuốc thang là mẹ của người chồng trước. Bởi trước khi đến với người chồng sau (đã mất gần 3 năm) tôi từng qua một lần đò… Vì nhiều lý do cá nhân khiến hôn nhân của chúng tôi đổ vỡ nhưng tôi vẫn thường xuyên qua lại với họ hàng, làm tròn bổn phận con dâu. Chính vì điều này đã giúp gia đình chúng tôi luôn vui vẻ, hòa thuận, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau”. Với bà Đầm, giờ đây niềm hạnh phúc, “tài sản” vô giá mà bà đang có chính là lòng hiếu thảo của hai người con đối với bà - như một sự tiếp nối.
Tình yêu không lời
Cuộc sống nhiều cơ cực, vất vả mưu sinh khiến chị Trần Thị Bích Thủy, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều dạn dày, cứng cỏi hơn tuổi 33 của mình. Sinh ra trong gia đình chỉ có 2 chị em gái, người chị lấy chồng về huyện Phong Điền, ít có điều kiện chăm sóc mẹ. Chị Thủy cũng đã lập gia đình 15 năm và sống chung bên chồng cách đó không xa. Kể từ khi mẹ chị bị tai biến, đau ốm triền miên, chị Thủy xin phép gia đình chồng và bàn tính với chồng về sống chung để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng mẹ.
Chị Trần Thị Bích Thủy ngày đêm cận kề chăm sóc mẹ nằm một chỗ hơn 10 năm qua. Ảnh: Q. LAM
Kể về cuộc đời tần tảo của mẹ, chị Thủy nhớ như in tuổi thơ cơ cực cùng mẹ đội cá đi bán khắp xóm. Chị Thủy tâm sự: “Cha tôi mất sớm, học đến lớp 9 tôi nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ bán cá. Mỗi ngày cứ khoảng 1- 2 giờ khuya là mẹ tôi đi lấy cá. Tôi ở nhà lo cơm nước xong xuôi đến sáng thì ra bán tiếp mẹ. Trước đây mẹ đảm đang, tháo vát, chăm lo quán xuyến trông ngoài. Nhưng kể từ khi bị bệnh mẹ nằm một chỗ, nhiều lúc tôi thấy mẹ khóc mà lòng đau như cắt…”.
Chị Thủy kể, lúc mới phát bệnh, mẹ vẫn còn co duỗi được chân tay, đi lại quanh quẩn trong nhà. Nhưng sau đó thì mắc thêm nhiều bệnh khác, phải làm phẫu thuật, rồi đặt ống thở… sức khỏe suy kiệt dần, dẫn đến nằm một chỗ. Mọi chuyện ăn uống, sinh hoạt, tắm rửa, vệ sinh hằng ngày… đều phải có người trợ giúp. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, mẹ chị không nói được tiếng nào. Hai mẹ con chỉ giao tiếp với nhau bằng ánh mắt... Để có tiền chạy chữa thuốc thang cho mẹ, gia đình chị Thủy đã bán căn nhà lớn ở khu vực 5, về khu vực 6 mua mảnh đất nhỏ cất nhà. Sau nhiều lần sửa chữa, nâng cấp mới xây được mái ấm tươm tất như hiện tại.
“Lúc mẹ mới bị bệnh, tôi phải ở nhà trông chừng mẹ suốt. Ban đêm thì hai vợ chồng trải chiếu ngủ dưới đất để thay phiên nhau thức lau đờm cho mẹ. Mọi gánh nặng kinh tế đều dồn lên vai chồng...”- Chị Thủy tâm sự. Cũng vì lẽ đó mà suốt 12 năm liền, gia đình chị Thủy thiếu trước hụt sau và luôn có tên trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Với nghị lực, sự đồng lòng vượt khó của cả hai vợ chồng, năm 2016, gia đình chị Thủy vươn lên thoát nghèo. Lúc đầu, chị Thủy được giới thiệu vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để bán bún buổi sáng nhưng rồi mua bán ế ẩm nên nghỉ. Sau đó, chị Thủy xin làm tạp vụ ở bệnh viện, nhưng do công việc ràng buộc thời gian nên chị chuyển sang giúp việc nhà theo giờ để tiện chăm sóc mẹ.
Mỗi sáng, sau khi lo việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cho mẹ xong, chị Thủy mới đi làm. Đến trưa lại tất tả về nhà dọn dẹp, nấu ăn, đút cơm cho mẹ. Chị Thủy tâm sự: “Có những hôm đi làm về mệt, nhà cửa bề bộn, cơm nước chưa nấu, mẹ lại đi vệ sinh không tự chủ, dơ hết mùng chiếu… tôi cũng ngao ngán, nhưng nghĩ đến cảnh ngày xưa mẹ vất vả, cực khổ sinh ra mình, không ngại tanh dơ, nuôi nấng mình trưởng thành thì bao mệt nhọc tan biến và cảm thấy hối lỗi vô cùng. Chính tình yêu thương mẹ, cùng với sự động viên, hỗ trợ của ông xã và con trai đã giúp tôi vững vàng, mạnh mẽ hơn để vượt qua mọi khó khăn, vất vả”.
QUỐC THÁI - PHƯƠNG LAM