Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015, hụi, họ, biêu, phường (hụi) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Tuy nhiên, việc chơi hụi cũng lắm rủi ro; khi xảy ra tranh chấp, khó thu hồi được tài sản...
Minh họa: KIM SANG
Ngoài thu nhập từ việc mua bán, sản xuất nông nghiệp, bà Nguyễn Thị P. (ở xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai) còn kiếm thêm thu nhập từ “nghề” tay trái là làm chủ hụi. Hơn 15 năm làm chủ hụi, bà P. chia sẻ: “Rủi ro là điều không tránh khỏi. Khi rơi vào tình cảnh không có khả năng thanh toán, từ chủ hụi đến hụi viên có thể quỵt hụi. Từ đó, tranh chấp phát sinh. Có người vì sót của, nên kiện tụng, nhờ chính quyền và ngành chức năng can thiệp. Một dây hụi, nếu từ lúc bắt đầu đến kết thúc diễn ra suôn sẻ, chủ hụi kiếm được một khoản tiền hoa hồng kha khá. Còn nếu như một hoặc hai hụi viên quỵt hụi thì chủ hụi phải bỏ tiền túi ra đắp vào, hòng giữ vững được uy tín cũng như thu hút hụi viên khác tham gia”.
Bà Nguyễn Thị Kim X. (ở phường Thới Long, quận Ô Môn) cũng làm chủ hụi. Năm 2012, bà Nguyễn Thị L. (ngụ cùng địa phương) có tham gia 2 dây hụi của bà X. Hốt hụi xong, bà L. không đóng hụi chết, từ thời điểm hốt cho đến khi mãn, với tổng số tiền 36 triệu đồng. Thế là, hằng tháng, bà X. phải xuất tiền túi ra đóng thay cho bà L., hòng đảm bảo uy tín với các hụi viên khác. Năm 2013, bà X. làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Vụ việc được TAND quận Ô Môn xem xét, giải quyết bằng bản án, với nội dung: Buộc bà L. có trách nhiệm phải hoàn trả cho bà X. số tiền 36 triệu đồng, cộng với lãi suất phát sinh do chậm thi hành án.
Sau khi bản án có hiệu lực, bà X có đơn yêu cầu thi hành án, nhưng đến nay, bà X. vẫn chưa được thi hành. Bà X. cho biết: “Tôi tha thiết yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn sớm có biện pháp, tổ chức thi hành dứt điểm bản án này”. Theo Chi cục Thi hành án dân sự quận Ô Môn, sau khi có đơn yêu cầu, Chi cục đã ra quyết định thi hành án; đồng thời, quy định cho bà L. tự nguyện thi hành trong khoảng thời gian theo quy định. Tuy nhiên, bà L. không tự nguyện thi hành. Sắp tới, Chi cục sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bà L. để xử lý theo quy định pháp luật.
Trường hợp của bà Nguyễn Thị N. (ở phường Thới Long, quận Ô Môn) tham gia chơi nhiều dây hụi do bà Huỳnh Thị Bé C. (ngụ cùng xóm) làm chủ. Do không khả năng thanh toán, bà C. tuyên bố vỡ hụi. Từ đó, nhiều hụi viên, trong đó có bà N. lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, gia đình xào xáo. Sau đó, bà N. cũng khởi kiện tại Tòa án và được xem xét, giải quyết bằng bản án. Tuy nhiên, đến nay, bà N. vẫn chưa nhận lại được số tiền hơn 70 triệu đồng. Nhắc đến chuyện cũ, bà N. ngao ngán: “Tiền bạc dành dụm bấy lâu đầu tư vào hụi, nay không còn, lại tốn thêm thời gian, công sức và chi phí kiện tụng, nhưng chưa biết có thu hồi lại được tiền hay không”.
Theo Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hoặc nhiều người tham gia hụi, tranh chấp đó được giải quyết tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự...
CHẤN HƯNG