Phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, từ đó góp phần nâng cao vị trí, vai trò của hội viên phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN). Lâu nay, Hội LHPN TP Cần Thơ đã chủ động phối hợp nhiều ban, ngành và các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nghề nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho hội viên, nhất là những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Các học viên là cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc hồi hương tham gia lớp học nghề pha chế do Trung tâm Việt-Hàn phối hợp với Hội LHPN TP Cần Thơ tổ chức.
Lớp học nghề trang điểm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ và Công ty TNHH L’Oréal Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ dự án “Làm đẹp để sống, sống để làm đẹp” khai giảng vào đầu tháng 7-2019 luôn có mặt đông đủ các học viên. Không khí lớp học nghiêm túc nhưng không kém phần sôi nổi bởi sự hào hứng của học viên và nhiệt tình hướng dẫn của giáo viên đứng lớp. Triển khai từ năm 2016, dự án này đã khai giảng được 9 lớp dạy nghề làm tóc và 1 lớp dạy nghề trang điểm cho các học viên là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, đến nay, đã có hơn 361 học viên trở thành thợ tóc chuyên nghiệp, nhiều bạn còn đầu tư được tiệm làm đẹp riêng và qua đó giúp tạo việc làm cho nhiều hội viên khác.
Bạn Nguyễn Thị My, quê ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang trước có thâm niên làm công nhân ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Vốn yêu thích nghề làm đẹp, sau khi tích lũy được số tiền nhỏ, My tìm chỗ học nghề làm tóc, trang điểm. Tuy nhiên, việc học nghề không như ý, My không tự tin thực hành nghề để kiếm thu nhập. Trong lúc đó, qua một người bạn, My biết đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ và Dự án "Làm đẹp để sống-sống để làm đẹp". My cho biết: "Tôi được tham gia lớp học nghề làm tóc cơ bản do các chuyên gia tóc của Công ty TNHH L’Oréal Việt Nam trực tiếp hướng dẫn. Trong 4 tháng học nghề, các giáo viên giảng dạy rất kỹ lưỡng từ thao tác, kỹ thuật sao cho đạt yêu cầu tốt nhất. Tuy học nghề tóc nhưng các giáo viên hướng dẫn thêm kỹ thuật làm móng, massage mặt. Sau khi kết thúc khóa học, tôi ra ngoài làm thợ phụ thêm gần 2 tháng thì mở tiệm riêng". Hiện, My sở hữu salon làm đẹp MyElly ở đường Nguyễn Chí Thanh, quận Bình Thủy với các dịch vụ gội đầu, massage, uốn, duỗi, nhuộm, cắt tóc nam nữ. Đầu tháng 7-2019, My được tham gia tiếp lớp dạy nghề trang điểm thuộc dự án này cùng 28 học viên khác. Với kỹ năng nghề mới này, My sẽ bổ sung thêm dịch vụ ở salon MyElly, phục vụ khách chu đáo hơn và đảm bảo thu nhập tốt hơn.
Theo lãnh đạo Hội LHPN TP Cần Thơ, hằng năm, Thành hội chỉ đạo cho hội phụ nữ các cấp rà soát nắm nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ tại các xã/phường/thị trấn. Trên cơ sở đó, phối hợp với ngành lao động-thương binh và xã hội, Hội Chữ thập đỏ đăng ký mở các lớp đào tạo nghề các lĩnh vực: tiểu thủ công nghiệp, gia công sản phẩm gia dụng, gia chánh, làm đẹp, chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ… Ngoài ra, hội còn tranh thủ tài trợ của các đơn vị doanh nghiệp, dự án của các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ, chăm lo cho cán bộ, hội viên và phụ nữ nghèo trong học nghề và giải quyết việc làm, nâng cao kỹ năng học tập, làm việc. Đặc biệt, đã phối hợp với Trung tâm Việt-Hàn tổ chức các lớp dành cho phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc hồi hương; Phối hợp tổ chức WESI và trường Trung cấp Lê Thị Riêng tổ chức tập huấn cho phụ nữ thực hành cách sử dụng facebook, zalo để kinh doanh qua mạng xã hội;...
Chị Nguyễn Thùy Trang, ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền là một trong những cô dâu kết hôn với chồng là người Hàn Quốc hồi hương được hỗ trợ học nghề tin học cơ bản, vừa bế giảng vào giữa tháng 5-2019. Chị Trang cho biết: "Do gặp một số bất đồng với ông xã nên tôi dẫn theo con về nước từ năm 2014. Hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nên tôi luôn mong muốn sẽ có công việc ổn định, vừa sức để đảm bảo cuộc sống, nhất là lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Có nghề làm móng, tôi được các cô bên Trung tâm Việt-Hàn và Hội LHPN thành phố đồng ý hỗ trợ tham gia dạy nghề lại cho các bạn đồng cảnh khác có nhu cầu. Để có thể đứng lớp dạy nghề, các cô tạo điều kiện cho tôi học khóa nghiệp vụ sư phạm dạy nghề do Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tổ chức và khóa tin học cơ bản, phục vụ việc soạn giáo án, kế hoạch giảng dạy,... Với sự hỗ trợ và trang bị này, tôi rất an tâm và tin rằng mình sẽ phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra".
Bên cạnh đó, tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ, triển khai cho chị em hội viên vay, phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển mô hình kinh tế qua các dự án: “Tăng cường năng lực làm kinh tế cho phụ nữ” nay là Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế do tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) tài trợ; Quỹ “Vì quê hương” của một Việt kiều Pháp tài trợ. Đặc biệt, nhận ủy thác vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm) và các nguồn vốn huy động tiết kiệm từ các mô hình tiết kiệm tín dụng của Hội hỗ trợ chị em hội viên tạo việc làm tại chỗ. Trong đó, dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện đạt trên 1.088 tỉ đồng, với 41.746 hộ vay; các mô hình phụ nữ tiết kiệm tại chỗ thu hút 10.075 lượt chị tham gia với số vốn huy động được trên 31 tỉ đồng.
Với nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, Hội LHPN đã góp phần trao "cần câu cá" thành công cho nhiều hội viên an tâm phát triển kinh tế. Thực tế, nhiều năm qua, đã có rất nhiều mô hình việc làm phát huy hiệu quả như: chằm nón, đan đát ở xã Trường Thắng; đan dây nhựa ở xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai và xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh; may gia công ở quận Cái Răng, Ninh Kiều; các câu lạc bộ phụ nữ giúp việc gia đình, tổ hợp tác Bánh dân gian, Phụ nữ sản xuất hàng gia dụng ở quận Ninh Kiều; trồng hoa màu ở phường Thới An, quận Ô Môn và phường Long Hòa, quận Bình Thủy;... cùng hàng ngàn hội viên tận dụng tay nghề, tự tạo việc làm hiệu quả. Trong năm 2019, các cấp Hội LHPN TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp, tổ chức nhiều hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề cho từ 1.300 lao động nữ và mỗi quận, huyện giúp ít nhất 10 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự doanh nghiệp,... Qua đó, góp phần giúp trên 500 hội viên thoát nghèo.
Bài, ảnh: MỸ TÚ