Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2019

19:30 - 11/11/2019

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11-2019

Từ tháng 11-2019, nhiều chính sách mới liên quan đến dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quyền sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; những việc không được làm của lực lượng quản lý thị trường, quy định về thành viên tổ hợp tác... sẽ chính thức có hiệu lực.

Mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Ngày 1-11-2019 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực.

Với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, luật này đã chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi. Các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm: tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…Trong đó, cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải được lập thành văn bản.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Cấm Quản lý thị trường mua hàng hóa của đơn vị đang bị kiểm tra

Từ ngày 15-11-2019, trong hoạt động công vụ, lực lượng Quản lý thị trường không được gợi ý, đòi hỏi các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; cố tình phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí, đăng tải trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, bôi nhọ về bản chất, hình ảnh hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường; Phát ngôn hoặc cung cấp cho báo chí những thông tin làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi vụ việc đang xử lý và chưa có kết luận vi phạm; lợi dụng hoạt động công vụ bao che, dung túng hoặc thông đồng với tổ chức, cá nhân có vi phạm hành chính để làm trái các quy định của pháp luật, nhằm mục đích tham ô, nhận hối lộ dưới mọi hình thức…

Đó là những quy định tại Thông tư 18/2019/TT-BCT của Bộ Công thương quy định những việc không được làm trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 1-11-2019.

Từ 25-11-2019, tổ chức có thể là thành viên của tổ hợp tác

Theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP, thành viên tổ hợp tác chỉ có thể là cá nhân. Tuy nhiên, từ  ngày 25-11-2019, theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP, thành viên tổ hợp tác còn có thể là tổ chức.

Nghị định này quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Theo đó, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 2 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận, được lập thành văn bản, có chữ ký của 100% thành viên tổ hợp tác. Nội dung hợp đồng hợp tác không được trái với quy định của luật có liên quan, bao gồm các nội dung: mục đích, thời hạn hợp tác; họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân; tài sản đóng góp (nếu có); đóng góp bằng sức lao động (nếu có); phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức; quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp đồng hợp tác; quyền, nghĩa vụ của người đại diện (nếu có); điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên (nếu có); điều kiện chấm dứt hợp đồng.

Thành viên tổ hợp tác phải đáp ứng các điều kiện sau: Cá nhân là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định từ Điều 16 đến Điều 24 Bộ luật Dân sự, quy định của Bộ luật Lao động và pháp luật khác có liên quan; tổ chức là pháp nhân Việt Nam, thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, có năng lực pháp luật phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của tổ hợp tác; tự nguyện gia nhập và chấp thuận nội dung hợp đồng hợp tác; cam kết đóng góp tài sản, công sức theo quy định của hợp đồng hợp tác… Thành viên của tổ hợp tác có quyền hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác; tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác, quản lý, giám sát hoạt động của tổ hợp tác; rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn 50% tổng số thành viên tổ hợp tác hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác…

Hoàng Yến (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67260

Hôm nay:
29
Tháng này:
719
Tổng lượt truy cập:
67260