Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Người phụ nữ may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

11:41 - 19/12/2020

Khi nhắc về Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhiều người lại nhớ đến hình ảnh lá cờ giải phóng "nửa đỏ, nửa xanh". Khi lá cờ được treo tung bay phất phới cũng là lúc bắt đầu những ngày tháng hòa bình, thống nhất non sông liền một dải…

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương, người dân thường gọi là lá cờ "nửa đỏ, nửa xanh" hay Cờ giải phóng. Lá cờ do ông Huỳnh Tấn Phát thiết kế và được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu từ Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ. Nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh hòa bình) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Bà Lê Thị Buộc đã cùng mẹ may những lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên vào năm 1960. Ảnh: Hoài Thương

Sau khi thống nhất đất nước, năm 1976 tiến hành tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội; Quốc hội thành lập Nhà nước, Chính phủ, đồng thời quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chọn cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của Việt Nam. Điều đó thể hiện hai miền Nam, Bắc đã được thống nhất, non sông thu về một mối.

Câu chuyện về lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được bà Lê Thị Buộc (còn gọi là bà Hai Buộc) ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM, nhớ rõ nhất. Bởi lẽ, bà và mẹ của mình là những người đầu tiên may ra những lá cờ đó. Sau ngày giải phóng, gia đình bà còn giữ được một lá cờ và tặng lại cho Bảo tàng TP.HCM lưu giữ đến hôm nay.

Bà Hai Buộc năm nay đã 78 tuổi nhưng bà vẫn nhớ như in về thời điểm may cờ, về những năm tháng trốn địch may quân trang cho bộ đội. Bà Hai Buộc kể lại: Lúc trước, gia đình bà là một cơ sở may quân trang, quân dụng ở Củ Chi. Bản thân bà từng bị địch bắt ở tù 8 tháng vì mua vật dụng giúp cho bộ đội. 

"Lúc đó, mẹ tôi là bà Đặng Thị Ninh có cái máy may, gia đình thường may quần áo cho bà con hàng xóm. Sau đó, mẹ và tôi thường xuyên may quần áo, quân trang, quân phục cho bộ đội. Hai mẹ con chia việc ra làm, người may người phụ bấm chỉ, gắn khuy... Hồi đó, bộ đội ở trong rừng, phía ngoài là giặc, dân ở chính giữa, phụ nữ thường không bị giặc để ý nên các anh bộ đội nhờ mua giúp vật dụng và đem vào. Tôi chỉ đi mua giúp chứ không có tiền để mua cho. Tôi từng bị địch bắt giam 8 tháng trời mới thả", bà Hai Buộc kể.

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương, người dân thường gọi là lá cờ "nửa đỏ, nửa xanh" hay Cờ giải phóng. Lá cờ do ông Huỳnh Tấn Phát thiết kế và được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975. Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu từ Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời bấy giờ. Nửa trên (màu đỏ) đại diện cho miền Bắc đã độc lập. Nửa dưới (màu xanh hòa bình) tượng trưng cho miền Nam chưa được độc lập, còn dưới ách đô hộ của đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm.

Một trong những lá cờ Mặt trận được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM. Ảnh: Tiến Long

Kể về lá cờ tặng lại cho Bảo tàng thành phố, bà Hai Buộc cho biết: "Ở trong cơ sở cần may áo quần thì mình may áo quần, cần may cờ thì mình may cờ nhưng giặc tới thì bí mật giấu đi. Vào năm 1960, người ta mang vải, mang mẫu cờ tới để mẹ và tôi may. Mình thường may vào ban đêm. Khi may mà nghe tiếng động là giấu hết, bỏ vô thùng đạn và cất xuống hầm giấu kỹ. Các lá cờ may trong một ngày là xong nhưng sợ địch thấy nên phải may lén. Lúc đó tôi nhớ là may 6 lá cờ, lá to nhất chưa gửi đi kịp. Sau này, gia đình đưa lá cờ cho ông cậu từng là bộ đội tập kết ngoài Bắc. Khi giải phóng cậu trở về miền Nam và mang lá cờ giao cho nhà nước và được bảo tàng lưu giữ. Đến bây giờ, tôi vẫn không quên mỗi lúc có giặc, mọi người trong nhà ôm đồ đi giấu, nhất là đồ quân trang. Chắc nhờ ông bà phù hộ mà nhiều lần giặc lùng không thấy".

Khi được hỏi lý do lúc đó bà gan dạ cùng mẹ may quân trang cho bộ đội ta như vậy, bà Hai Buộc cười hồn hậu đáp: "Ở chung với mấy ổng thì mình phải lo chứ. Trong lòng cũng nghĩ tới ngày đất nước hòa bình nên tìm cách giúp đỡ bộ đội của ta".

Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 2/1977, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Từ ngày thành lập đến ngày toàn thắng 30/4/1975 là một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Sứ mệnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ.

 

Mặt trận đã kế thừa những kinh nghiệm của quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, vận dụng sáng tạo vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, qua đó góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Theo Báo PNVN

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61212

Hôm nay:
23
Tháng này:
496
Tổng lượt truy cập:
61212