Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Người giữ lửa...

11:55 - 18/12/2017

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, dù trong xã hội hiện đại, vai trò của phụ nữ và nam giới có nhiều thay đổi nhưng để “nhà” thật sự là “tổ ấm”, vẫn rất cần đôi bàn tay “giữ lửa” của phụ nữ. Và phụ nữ khôn ngoan cũng là người biết khéo léo để chồng luôn cùng mình thắp và giữ ngọn lửa hạnh phúc...

Xây đắp hạnh phúc

Sau khi kết hôn, nhiều cặp đôi đối diện vấn đề đau đầu là tính toán, cân đối chi tiêu gia đình hợp lý. Chị H.H. (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Tuy kết hôn hơn 10 năm nhưng vợ chồng tôi chưa tạo dựng được món tài sản riêng nào. Nhiều khi thấy bạn bè cùng trang lứa có sự nghiệp, nhà cửa ổn định, tôi cũng chạnh lòng…”. Theo chị H., chồng chị thuộc tuýp người chú trọng chuyên môn, không giỏi giao tiếp, không quan tâm các vấn đề xã hội. Hầu như mọi chuyện từ lớn đến nhỏ trong nhà đều do chị quán xuyến, giải quyết. Nhiều lúc, chị H. cảm thấy bị áp lực: “Tôi không đòi hỏi ông xã giỏi kiếm tiền, có địa vị xã hội nhưng phải biết quan tâm, chia sẻ, cùng tôi chung vai gánh vác việc nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc”. 

Trau dồi kiến thức, kỹ năng nội trợ góp phần tích cực trong việc xây dựng và giữ gìn gia đình hạnh phúc

(Trong ảnh: Chị em hào hứng tham gia hội thi khéo tay do các đoàn thể tổ chức). Ảnh: TRÂM ANH

Có dịp gặp gỡ, trao đổi với các gia đình hạnh phúc mới thấy mỗi gia đình đều có cách làm riêng, phù hợp trong sắp xếp, tổ chức cuộc sống. Trong đó, yếu tố tình cảm vợ chồng hòa thuận, tôn trọng, đồng lòng vượt khó, thống nhất trong cách giáo dục, bảo ban con cái là nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Lâm Thị Phượng (quận Bình Thủy) nói: “Người xưa thường dạy “Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa mấy đời cơm khê”. Vì vậy, vợ chồng tôi luôn tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau. Việc duy trì hạnh phúc gia đình bền vững rất quan trọng, bởi qua đó, giúp hình thành nhân cách, giáo dục đạo đức, lối sống cho con cái”.

Theo nhiều người, sự tôn trọng, sẻ chia không đơn thuần về mặt tình cảm mà phải bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Đó là, chị em không nên quá ôm đồm mọi việc mà nên phân chia, “rủ rê” ông xã chung vai gánh vác. Bằng cách “mưa dầm thấm lâu”, nhiều chị em khiến không ít nam giới sẵn sàng chia sẻ việc nội trợ. Anh Trần Thanh Tân (quận Bình Thủy), trước đây vốn vụng về, ít khi “rớ” việc bếp núc. Thế mà bây giờ, anh rất thạo việc nhà. Anh Tân chia sẻ: “Gia đình tôi không phân công việc nhà rõ ràng nhưng ai cũng tự giác, có trách nhiệm. Ai xong việc cơ quan trước, tranh thủ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đón con… Lúc đầu, mọi việc có chút vụng về, lúng túng nhưng nay đâu vào đấy cả”.

Gắn kết yêu thương

Ngày nay, nhiều gia đình do bận rộn công việc, học hành nên mọi người ít có dịp tụ họp, quây quần. Vì vậy, tùy hoàn cảnh, mỗi gia đình nên duy trì một hoạt động hay không gian sinh hoạt chung để tạo sợi dây gắn kết các thành viên. Chị Võ Kim Loan (quận Ninh Kiều) cho biết: “Như thường lệ, sau giờ cơm tối, gia đình tôi quây quần ở phòng khách khoảng 1 tiếng, cùng xem ti-vi, trò chuyện, rồi mới về phòng làm việc riêng. Tuy không phải “điểm danh” nhưng hôm nào, ai bận việc không về đúng giờ, phải thông báo trước”. Cũng theo chị Loan, nhà chị có quy định “bất thành văn” là “đi thưa, về trình”. Mỗi khi ai bận việc không về ăn cơm chung hay về trễ, phải thông báo người nhà biết. Như vậy, vừa thể hiện thái độ tôn trọng, vừa để người nhà an tâm. 

Mỗi tối, chị Nguyễn Thị Thanh (quận Bình Thủy) thường trò chuyện cùng hai con gái. Khi thì chị nghe con kể chuyện bạn bè, trường lớp, lúc thì trao đổi những thắc mắc tâm sinh lý tuổi mới lớn, về tình yêu, tình bạn. Chị Thanh bộc bạch: “Đối với bé gái, lứa tuổi dậy thì rất quan trọng. Các bậc phụ huynh, nhất là người mẹ nên dành thời gian để gần gũi, tâm sự với con. Tôi vừa là mẹ vừa là chị, là bạn với hai con gái nên có thể chia sẻ nhiều việc”. Nhờ luôn quan tâm, chia sẻ cùng con những chuyện vui buồn, chị Thanh giúp con vượt qua “cú sốc” đầu đời khi “say nắng” người bạn khác phái, đến nỗi học hành sa sút. Chị Thanh chia sẻ: “Đứng trước những tình huống như vậy, phụ huynh không nên la mắng mà phải tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc, cùng con tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Đừng tạo áp lực, tâm lý tránh né, khiến trẻ “sợ” khi phải đối mặt với cha mẹ”.   

Phụ nữ có thể đảm đương nhiều vị trí, nhiệm vụ trong xã hội hiện đại nhưng không nên lơ là vai trò “giữ lửa” trong gia đình. Tuy công việc kinh doanh khá bận rộn, phải thường xuyên tiếp khách, gặp gỡ đối tác nhưng có thời gian rảnh, chị Tố Như (quận Bình Thủy) tranh thủ vào bếp, tự tay nấu những món ăn “ruột” cho chồng con. Chị Như nói: “Trước đây, do không có khiếu nấu nướng và hiếm hoi thời gian nên tôi ít vào bếp, phó thác việc cơm nước cho người giúp việc. Nhưng khi con gái trở thành thiếu nữ, muốn mẹ dạy “nữ công gia chánh”, tôi mới giật mình, vì đã vô tình bỏ qua những việc tưởng chừng nhỏ nhưng rất quan trọng đối với gia đình”. Vì vậy, hơn năm nay, chị Như thường cho người giúp việc nghỉ ở nhà hai ngày cuối tuần, tự tay chăm sóc gia đình và cũng để trổ tài bếp núc. 

TRÂM ANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

67525

Hôm nay:
25
Tháng này:
984
Tổng lượt truy cập:
67525