Cùng chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Màu, ở ấp Trường Phú 1, xã Trường Long, huyện Phong Điền, chị Phạm Thị Bé Năm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, nói: "Có chứng kiến nỗi đau khổ, vất vả vợ chồng chị Màu từng trải, mới thấm thía hương vị, ý nghĩa hạnh phúc hôm nay. Những lúc thắt ngặt, khó khăn nhất, anh chị vẫn không buông xuôi, cam chịu, biết tranh thủ sự đồng hành của chính quyền, Hội Phụ nữ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo".
Căn nhà Đại đoàn kết quét vôi trắng khang trang ở vùng quê Trường Long yên ả là tổ ấm của vợ chồng chị Màu. Hôm chính quyền địa phương cùng đơn vị tài trợ (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) làm lễ bàn giao nhà, chị Màu, xúc động, không cầm được nước mắt.
Quán điểm tâm, giải khát giúp chị Màu ổn định thu nhập, phát triển kinh tế gia đình
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở xã Trường Long A, tỉnh Hậu Giang, học hành nhấp nhem, chị Màu sớm quen việc làm mướn, phụ giúp gia đình. Năm 19 tuổi, chị Màu học nghề và đi làm móng dạo quanh xóm, có dịp tiếp xúc với nhiều người, chị Màu học hỏi cách giao tiếp, mua bán. Đến năm 25 tuổi, chị Màu kết hôn với anh Nguyễn Hùng Anh (ở xã Trường Long) làm nghề phụ hồ. Cuộc sống tuy khó khăn, chật vật nhưng đầm ấm, hạnh phúc, anh chị sinh con gái đầu lòng kháu khỉnh, bụ bẫm. Lúc con gái gần thôi nôi đang khỏe mạnh, tự dưng đổ bệnh sốt xuất huyết, nóng sốt liên miên. Vợ chồng chị Màu thay phiên "trực" bệnh viện trị bệnh cho con, bỏ dở việc làm, cảnh nhà thêm túng quẫn. 6 năm sau, con trai chào đời, anh chị chưa kịp vui mừng thì tai ương dồn dập. Lúc 2 tuổi, con trai chị bị sốt li bì, mê man, nhập viện ở TP Cần Thơ, chuyển đến TP Hồ Chí Minh, với chẩn đoán bị viêm xương, tốn kém chi phí điều trị nhưng cuối cùng không qua khỏi. Cú sốc mất con khiến chị Màu không thiết sống nữa. May nhờ gia đình nội, ngoại, chòm xóm, Hội Phụ nữ quan tâm chia sẻ nên chị dần nguôi ngoai nỗi đau mất con.
Năm 2006, chị Màu tham gia sinh hoạt Chi hội phụ nữ ấp, được vay vốn nhóm phụ nữ tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách Xã hội để nuôi heo, mua nguyên liệu làm móng. Thời gian sau, từ nguồn vốn vay ngân hàng, vợ chồng chị Màu ra công bồi đắp phần đất bên chồng cho, làm nền nhà ven lộ, xin vật tư che chòi lá ở tạm và mua một số vật dụng mở quán điểm tâm, giải khát mưu sinh qua ngày. Mỗi ngày, vợ chồng chị dậy từ 2 giờ sáng, lục đục chế biến, dọn hàng để phục vụ giáo viên, phụ huynh, học sinh, công nhân các công trình xây dựng và khách vãng lai ngang tuyến lộ liên ấp. Chị Màu cho biết: "Thời gian đầu, cửa tiệm lèo tèo, thưa thớt khách, mỗi buổi sáng bán 20 tô bún, chủ yếu là khách quen ủng hộ nhưng vợ chồng tôi động viên nhau không nản lòng, kiên trì bám trụ. Dần dà, nhờ thức ăn ngon, giá cả phải chăng nên lượng khách tăng dần, thu nhập đủ sống mỗi ngày".
Việc mua bán dần ổn định, chị Màu chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền nâng cấp, mở rộng mặt bằng kinh doanh. Mỗi ngày, từ sáng đến xế trưa, chị bán khoảng 8 ký bún, lợi nhuận từ 120.000 đồng, chưa kể nước giải khát kèm theo. Anh Hùng Anh tranh thủ bán tiếp chị sáng sớm, rồi đi làm phụ hồ. Vợ chồng chị Màu quyết tâm làm ăn, dành dụm tiền cất căn nhà kín đáo, lo con gái có chỗ ở ổn định. Năm 2015, anh chị Màu được địa phương vận động nhà tài trợ xây tặng căn nhà Đại đoàn kết. Chị Màu xúc động nói: "Nghe tin tôi được hỗ trợ tiền xây nhà, người thân trong gia đình chung vui, mỗi người đóng góp thêm chút ít, để căn nhà đẹp đẽ, vững chắc hơn. Anh trai và chồng tôi bỏ công xây nhà, khỏi mất chi phí thuê nhân công. Sau 3 tháng, căn nhà hoàn thành, việc mua bán của tôi càng thêm thuận lợi, tôi rất vui". Năm 2016, chị Màu được địa phương xem xét thoát nghèo và được hỗ trợ vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Con gái chị Màu khỏe mạnh, chăm chỉ học hành, được miễn, giảm học phí và hỗ trợ học phẩm mỗi năm học…
Cuộc sống gia đình dần ổn định, công việc trôi chảy, thuận lợi, chị Màu mong muốn được Hội Phụ nữ giới thiệu vay thêm vốn ưu đãi để mở rộng kinh doanh, đầu tư trồng vườn cây trái, tích lũy tiền lo cho con gái học hành sau này. Chị chia sẻ: "Gia đình tôi trải qua biến cố, nếm trải nhiều khó khăn, nếu không nhờ chính quyền, đoàn thể địa phương nhiệt tình giúp đỡ, tôi không thể hồi phục tinh thần và ổn định cuộc sống. Với sự khích lệ này, vợ chồng tôi quyết tâm phấn đấu, nỗ lực lao động để vươn lên khấm khá". l
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG