Với ưu điểm dễ học, dễ làm, không cần đầu tư vốn, không ràng buộc thời gian, nghề đan gia công sản phẩm từ dây nhựa khá phát triển, ngày càng được nhân rộng, thu hút nhiều lao động nữ tận dụng thời gian nhàn rỗi tham gia. Qua đó, góp phần giúp chị em tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tổ đan ghế nhựa tại khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Những ngày cuối tháng 5-2021, không khí lao động tại nhà chị Trần Thị Thu Em (khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt) rất tất bật. Nhiều chị em tỉ mỉ đan những chiếc ghế nhựa. Là “đầu mối” nhận gia công sản phẩm cho các chị em nơi đây, chị Thu Em chia sẻ: “Từ giữa năm 2020, tôi đã nhận hàng ghế nhựa về đan gia công tại nhà. Ban đầu, tôi chỉ làm riêng lẻ. Khi đã thạo nghề và thấy mô hình này phù hợp với điều kiện của chị em tại địa phương, tôi kết nối cho mọi người. Cách 2-3 ngày, tôi nhận 100-200 sản phẩm từ tổ liên kết đan dây nhựa và chia cho các thành viên cùng gia công”. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, tháng 12-2020, Hội LHPN phường Thới Thuận đã xây dựng Tổ đan ghế nhựa tại khu vực Thới Bình; động viên các hội viên phụ nữ cùng tham gia, giúp cải thiện thu nhập đáng kể.
Theo các thành viên của tổ, học nghề đan ghế nhựa không khó, chỉ cần chịu khó quan sát là có thể làm được. Với những công đoạn khó như làm khung sườn đã có chị Thu Em tận tình hướng dẫn. Bà Dương Thị Ánh, ngụ khu vực Thới Bình, đã gần 60 tuổi nhưng đôi tay vẫn còn rất nhanh nhẹn, tỉ mỉ đan từng sợi nhựa rất đều và đẹp. Bà Ánh bộc bạch: “Trước đây, tôi đi làm mướn, giặm lúa… Nay đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên không thể làm việc nặng nhọc. Nhờ mô hình này, tôi có công việc ổn định”. Theo bà Ánh, bình quân mỗi ngày, bà có thể đan được 3-4 sản phẩm, kiếm khoảng 60.000 đồng, giúp trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Còn chị Phạm Thị Diễm, khu vực Thới Bình, cũng tham gia Tổ đan ghế nhựa từ những ngày đầu Hội LHPN phường khởi xướng. Chị Diễm kể: “Chồng tôi làm nghề bốc vác, còn tôi ở nhà lo nội trợ và mở quán nước giải khát nhỏ tại nhà để kiếm thêm thu nhập. Ngoài thời gian nội trợ, bình quân mỗi ngày, tôi đan khoảng 5 tấm thành ghế. Tuy số tiền công không nhiều nhưng cũng góp thêm thu nhập cho gia đình”.
Hiện nay, Tổ đan ghế nhựa khu vực Thới Bình có 9 thành viên tham gia, chủ yếu là hộ khó khăn, phụ nữ lớn tuổi, không có điều kiện đi làm ăn xa… Các thành viên đều làm thành thạo tất cả công đoạn, gồm: ra sườn, đan và hoàn thiện sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, một người có thể đan từ 3-7 sản phẩm, tiền công từ 60.000-120.000 đồng.
Ngoài Tổ đan ghế nhựa tại khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, hiện nay trên địa bàn quận Thốt Nốt, nghề đan gia công sản phẩm từ dây nhựa đang được nhiều chị em quan tâm. Toàn quận có 4 tổ đan giỏ nhựa. Còn tại huyện Cờ Đỏ, hiện có 4 tổ đan ghế nhựa giúp trên 200 chị có việc làm ổn định; trong đó, tập trung tại các xã Thới Hưng, Đông Thắng,… Chị Lê Kim Luyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Thắng, cho biết: “Mô hình đan dây nhựa đã được Hội LHPN xã thành lập từ năm 2017 đến nay, triển khai tại 3 ấp Thới Hiệp, Thới Hiệp 2 và Đông Thắng, thu hút 25 chị tham gia thường xuyên. Mô hình này giúp chị em tận dụng khoảng thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập mỗi tháng từ 1,5-2,5 triệu đồng”.
Nghề đan dây nhựa dễ học, dễ làm nên thu hút lao động nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia, kể cả các cô tuổi bảy mươi vẫn có thể nhận gia công sản phẩm. Bên cạnh đó, nghề đan dây nhựa không ràng buộc thời gian. Đó chính là những ưu điểm giúp nghề này có điều kiện để phát triển tại nhiều địa phương. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, có khá nhiều cơ sở lớn, nhỏ chuyên sản xuất, nhận gia công làm giỏ nhựa, ghế nhựa… đang hoạt động hiệu quả, tạo cơ hội cho nhiều lao động nhàn rỗi có việc làm ổn định. Là một trong những đầu mối cung ứng hàng lớn tại huyện Vĩnh Thạnh, anh Nguyễn Văn Nghĩa, chủ cơ sở liên kết đan ghế dây nhựa tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Tôi đang liên kết với Công ty TNHH Phúc Gia Hưng, phụ trách tiếp nhận và giao nguyên liệu cho các thành viên tại các tổ nhỏ lẻ và là đầu mối thu gom sản phẩm hoàn chỉnh giao cho công ty. Với những ưu điểm như: không cần vốn, thu nhập ổn định, mọi người đều có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi tham gia. Hiện nay, tôi liên kết với 23 điểm lớn, nhỏ khác nhau trên các địa bàn Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh và An Giang với tổng số trên 100 thành viên là hội viên Hội LHPN tham gia. Tùy theo kích thước, độ khó của sản phẩm mà chi phí gia công khác nhau, dao động từ vài ngàn đồng đến 35.000 đồng/sản phẩm. Chị em thạo nghề có thể đan từ 5-7 sản phẩm/ngày, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”.
Với đặc thù công việc gia công đan dây nhựa khá đơn giản, có thể làm tại nhà, tiền công hợp lý, mô hình này đang giúp nhiều lao động nhàn rỗi có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Bài, ảnh: KIẾN QUỐC