Đối với nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt thì cần điều chỉnh ngay mốc nghỉ hưu tương đương nam giới để họ có thêm thời gian cống hiến...
Với lao động suy giảm khả năng lao động, công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm... thì giữ nguyên quy định hiện hành hoặc giãn lộ trình, đảm bảo an sinh xã hội cho họ sau khi nghỉ hưu.
Đó là một trong số các nội dung góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa lấy ý kiến, gửi đến Ban soạn thảo.
Một buổi Hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Trong các góp ý cụ thể vừa gửi tới Ban soạn thảo, Hội LHPN Việt Nam đề cập khá sâu đến một vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, đó là độ tuổi nghỉ hưu của lao động. Cụ thể, Hội LHPN Việt Nam nhất trí việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và quyền được nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung đối với những ngành nghề đặc biệt. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ phát sinh các bất bình đẳng đối với các khu vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã chia ra 4 nhóm lao động khác nhau. Mỗi nhóm nên có một lộ trình để tránh gây sốc, thiệt thòi cho người lao động nhưng vẫn đảm bảo quyền lao động cũng như sự cống hiến cho xã hội.
Với nhóm lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt, đây là nhóm nhân lực nữ chất lượng cao, tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội. Hiện nay, thực hiện Nghị định 141/2013/NĐ-CP, Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, một số nhóm đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 bằng với nam giới đã góp phần tăng tỷ lệ cán bộ nữ, phát huy vai trò, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho đất nước. Do đó, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đề nghị Dự thảo kế thừa các quy định hiện hành để điều chỉnh mốc tuổi nghỉ hưu tương đương với nam giới và thực hiện ngay với những nhóm đối tượng này; Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tuổi nghỉ hưu cao hơn cho một số nhóm lao động nữ là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt: Đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu hoặc giãn lộ trình hợp lý để không gây sốc, đồng thời có chính sách bảo đảm an sinh xã hội với nhóm đối tượng này khi nghỉ hưu, bởi lẽ qua khảo sát, các ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động tại 5 tỉnh thuộc miền Nam, Bắc, Trung và Tây Nguyên làm việc ở các ngành nghề: giày da, may mặc, điện tử, cạo mủ cao su, thủy sản, vệ sinh môi trường, du lịch.... đều cho rằng đối với ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động khó có thể tiếp tục lao động sau tuổi nghỉ hưu hiện hành.
Đối với các nhóm đối tượng lao động hiện đang làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2012 có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn và thực tế, các khu vực trên có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn do đó cần có chính sách tuổi nghỉ hưu phù hợp cho nhóm đối tượng này.
Theo Hội LHPN Việt Nam cần chú ý đến vấn đề an sinh xã hội sau khi nghỉ hưu đối với nhóm lao động đặc thù, độc hại, nguy hiểm...
Đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường: đồng ý điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo phương án 2 theo lộ trình cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi để rút ngắn thời gian, thu hẹp khoảng cách chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ.
Một nội dung quan trọng khác mà Hội LHPN Việt Nam góp ý cho Dự thảo, đó là về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35 Dự thảo). Hội LHPN Việt Nam đồng ý với phương án 1 của Dự thảo: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không vì lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước. Theo Hội LHPN Việt Nam, phương án này nhằm: Tạo cơ hội việc làm hiệu quả, trao quyền lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động; Thúc đẩy người sử dụng lao động tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, hấp dẫn và phòng, chống cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục; Khắc phục được những khó khăn trong việc chứng minh lý do để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.
Ngoài ra, Hội LHPN Việt Nam cũng góp ý một số nội dung khác như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng trong BLLĐ; Quy định làm thêm giờ; Quy định về chế độ thai sản; Nghỉ lễ ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm…
Bên cạnh đó, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật; tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chuyên gia, tổ chức, cá nhân để đảm quyền lợi tốt nhất của người lao động.