Xác định phong trào giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Hội gắn với việc góp phần cùng địa phương nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phong Điền tích cực vận động chị em hăng hái thi đua lao động sản xuất thông qua nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống hội viên phụ nữ trên địa bàn.
Tổ hợp tác giỏ dây nhựa ấp Trường Trung A, giúp chị em thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Đến tổ hợp tác giỏ dây nhựa ấp Trường Trung A, xã Tân Thới đúng lúc chị em tập trung đan giỏ. Chị Nguyễn Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Trường Trung A, bộc bạch: "Thành lập từ năm 2015, mô hình này vừa được nâng lên thành tổ hợp tác. Trước đây, sản phẩm không có đầu ra ổn định, chị em chủ yếu đan giỏ nhựa nhỏ đi chợ và các loại giỏ chuyên chở trái cây, bán các đầu mối chợ lân cận". Để phát triển mô hình, Hội LHPN huyện liên hệ với nhiều cơ sở kinh doanh, trong đó, ký hợp đồng với Cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ giỏ nhựa Hồng Hào, thêm nguồn đầu ra ổn định cho các thành viên. Hiện tổ có 22 thành viên tham gia, thu nhập bình quân mỗi người từ 600.000 - 1,2 triệu đồng/tháng.
Theo nhiều chị em, mô hình này phù hợp với phụ nữ, nhất là đối với người cao tuổi, nhiều thời gian nhàn rỗi. Cô Đinh Thị Cúc chia sẻ: "Nhiều năm qua, do lớn tuổi nên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước. Năm 2015, tôi được Hội giới thiệu học nghề và tham gia mô hình đến nay. Vừa tranh thủ làm việc nhà, rảnh rỗi tôi đan giỏ nhựa. Mỗi ngày tôi đan 3 - 4 cái giỏ nhỏ, thu nhập mỗi tháng vài trăm ngàn đồng để phụ tiếp chi tiêu sinh hoạt trong gia đình". Cô Lê Thị Tám cho biết: "Năm nay, tôi 67 tuổi, sống đơn thân, chăm sóc ruộng vườn và chăn nuôi nhỏ lẻ. Tôi nhận đan giỏ nhựa theo nhu cầu đặt hàng, kiếm thêm thu nhập".
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền, Huyện hội xây dựng nhiều mô hình tập hợp, thu hút hội viên, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội Phụ nữ huyện duy trì và nâng chất nhiều mô hình, tổ hợp tác kinh tế hiệu quả. Cụ thể, Hội LHPN xã Tân Thới đang duy trì mô hình may áo ấm gồm 20 thành viên, thu nhập từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/chị/tháng; tổ liên kết trồng trường sanh (ấp Tân Nhơn) gồm 25 thành viên, tận dụng diện tích 1,5ha đất trống quanh nhà, thu nhập từ 400.000 - 2,5 triệu đồng/người/tháng; mô hình trồng hoa kiểng gồm 15 thành viên, thu nhập trên 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hội LHPN xã Nhơn Nghĩa đang duy trì mô hình phụ nữ đan bội hoa kiểng (ấp Tân Thành) gồm 35 thành viên; Hợp tác xã (HTX) trồng hạnh (ấp Nhơn Phú 1) gồm 24 thành viên. Hội LHPN xã Trường Long duy trì mô hình trồng xoài Đài Loan (ấp Trường Thọ 2A) gồm 19 thành viên, tổng diện tích 4ha, thu nhập bình quân mỗi chị khoảng 146 triệu đồng/ha/năm; HTX trồng chanh không hạt (ấp Trường Hòa) gồm 25 thành viên, tổng diện tích 15ha, lợi nhuận 505 triệu đồng/25 hộ/12ha; HTX vườn cây ăn trái (ấp Trường Khương A), chủ lực là vú sữa, gồm 34 thành viên, diện tích khoảng 26,8ha, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng…
Gắn với việc xây dựng các mô hình kinh tế, hiện các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền có 116 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, giúp 5.748 chị vay trên 128 tỉ đồng. Hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì vận động thực hiện tiết kiệm tại chi hội tạo nguồn vốn để hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn thông qua hoạt động 176 tổ tiết kiệm, với 5.568 thành viên, gửi tiết kiệm trên 2,8 tỉ đồng; 53 tổ hùn vốn với 1.325 thành viên, với số vốn góp trên 728 triệu đồng… Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền phối hợp mở 3 lớp nghề cho 105 hội viên phụ nữ; giới thiệu 2.500 chị vào làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Hội LHPN huyện đang duy trì tổ phụ nữ khởi sự kinh doanh có 28 thành viên tại xã Giai Xuân, 1 tổ phụ nữ khởi nghiệp với 16 thành viên tham gia tại xã Mỹ Khánh đang hoạt động hiệu quả. Thông qua nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội LHPN huyện giúp 257 hội viên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Hồng Vân