Hệ thống chính trị phường Phước Thới, quận Ô Môn tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình,... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng địa phương phát triển.
Cán bộ Hội Phụ nữ khu vực Thới Trinh thăm mô hình sản xuất của hội viên. Ảnh: THANH THY
Nâng niu chùm nhãn Idol, ông Trần Ngọc Thu ở khu vực Thới Trinh, bày tỏ: “Trước đây, 12.000m2 đất ruộng, vườn của gia đình tôi trồng dừa, chôm chôm, nhãn tiêu da bò, thu nhập bấp bênh. Nghe các cán bộ phường, khu vực vận động, tôi quyết định phá bỏ vườn kém hiệu quả và lên liếp trồng nhãn Idol. Năm 2017, vườn nhãn bắt đầu cho trái, tôi có thu nhập 150 triệu đồng. Khi toàn bộ diện tích cho trái, thu nhập gia đình sẽ khấm khá hơn”.
Cũng như ông Thu, trước đây, trên 3.200m2 đất, gia đình anh Lê Minh Tuấn ở khu vực Thới Trinh trồng nhãn tiêu da bò, mận. Tham quan nhiều nơi và được cán bộ khu vực vận động và tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, anh chuyển sang trồng 280 cây xoài Đài Loan. Nhìn vườn xoài xanh mướt, chi chít trái được bọc cẩn thận, anh Tuấn cho biết: “Năm 2017, vườn xoài có trái, gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng”.
Đến thăm mô hình “Dân vận khéo” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Thới, trước mắt chúng tôi là những luống cải ngọt xanh mướt đang chờ thu hoạch. Chị Nguyễn Thị Thùy Linh ở khu vực Thới Trinh phấn khởi nói: “Trồng rau đòi hỏi mình phải chịu khó chăm sóc, bù lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán 300kg rau, lời khoảng 3 triệu đồng”. Trước đây, chị Linh trồng rau quanh nhà để cải thiện bữa ăn gia đình, thấy rau xanh tốt, chị mạnh dạn chuyển 2.500m2 đất lúa sang trồng rau. Chị Linh cho biết: “Cán bộ phường, khu vực vận động tận dụng đất quanh nhà trồng rau màu, cải thiện cuộc sống. Ban đầu, tôi trồng để gia đình sử dụng, thấy rau xanh tốt, tôi quyết định xuống giống trồng trên diện tích lớn hơn. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá”. Theo chị Hồ Thị Loan Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường, ban đầu mô hình trồng rau an toàn của Chi hội Phụ nữ khu vực Thới Trinh có 3 hộ tham gia với diện tích khoảng 2.500m2 đến nay tăng lên 4.000m2. Nhờ trồng rau màu, chị em có thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình...
Anh Lý Trọng Tâm ở khu vực Thới Đông là điển hình đoàn viên tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ. Đối với những trường hợp thanh niên có cuộc sống khó khăn, anh Tâm dạy nghề sửa xe không lấy học phí hoặc giảm bớt. Khi các em có tay nghề mà chưa có việc làm, anh cũng nhận ở lại tiệm làm công, trả lương. Em Trần Văn Đoàn bộc bạch: “Nhờ anh Tâm dạy nghề miễn phí, em học được nghề sửa xe. Sau khi thành thạo nghề, anh Tâm còn nhận em ở lại làm và lo ăn uống, tiền nhà trọ nên em tích lũy được số vốn để dành ra mở tiệm sửa xe riêng”. Ngoài Đoàn còn có 4 thanh niên khác cũng được anh Tâm đào tạo nghề, có việc làm ổn định. Hiện nay, tiệm sửa xe của anh Tâm luôn đông khách giúp gia đình có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc, Trưởng Khối vận phường Phước Thới, hệ thống chính trị phường có nhiều nỗ lực trong thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, nhất là các mô hình liên quan đến chăm lo đời sống nhân dân. Thời gian tới, hệ thống chính trị phường tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm giúp nhân dân nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
THANH THY