Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nâng cao đời sống phụ nữ dân tộc Khmer

17:48 - 08/10/2017

Huyện Cờ Đỏ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đa phần đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện giúp nhiều hội viên phụ nữ dân tộc Khmer thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Tổ hợp tác đan đát tại ấp Thời Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ giúp cho nhiều hội viên dân tộc Khmer có việc làm thu nhập ổn định.

Theo chị Nguyễn Ngọc Thẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, hiện toàn huyện có trên 17.000 hội viên; trong đó, có 1.251 hội viên phụ nữ Khmer, tập trung các xã: Thới Đông, Thới Xuân, Đông Thắng, Đông Hiệp và thị trấn Cờ Đỏ. Chị Thẩm cho biết: “Đời sống phụ nữ dân tộc Khmer hiện nay còn nhiều khó khăn. Hội quan tâm chăm lo, vận động chị em tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả”.

Mô hình tổ hợp tác đan đát (tổ đan đát) tại ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ được duy trì từ năm 2007 đến nay. Tổ đan đát tập trung 107 hội viên phụ nữ Khmer. Chị Sơn Thị Lang, Tổ trưởng tổ đan đát, cho biết: “Ấp Thới Hòa B có 656 hộ dân; trong đó, trên 98% hộ người dân tộc Khmer. Đa phần chị em làm nông nghiệp, thu nhập thấp, thời gian nhàn rỗi nhiều. Năm 2007, sau mở lớp nghề đan lục bình, Chi hội phụ nữ ấp thành lập tổ đan đát, giúp chị em nâng cao thu nhập”. Chi hội phụ nữ ấp hợp tác với Hợp tác xã Kim Hưng (quận Cái Răng), nhận nguyên liệu, phân phối các thành viên gia công sản phẩm. Đồng thời, Hội giới thiệu các thành viên vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chúng tôi đến thăm mô hình dịp Lễ Sen Dolta, chị em đang hăng say làm việc. Vừa thoăn thoắt đan lục bình, chị Thạch Thị Liên, ngụ ấp Thới Hòa B, bộc bạch: “Gia đình không ruộng đất, chồng mất 10 năm nay, tôi làm lụng vất vả nuôi 4 người con. Trước đây, tôi làm thuê kiếm sống. Khi vào tổ đan đát, tôi được giúp đỡ, vượt qua khó khăn. Mỗi ngày, tôi làm từ 1 – 2 bộ khung, thu nhập gần 100.000 đồng, kinh tế dần ổn định”. Trung bình mỗi thành viên thu nhập khoảng  100.000 đồng/ngày. Một số chị tranh thủ thời gian tự cắt lục bình đem phơi để sản xuất, giảm chi phí đầu vào nguyên liệu, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội LHPN huyện đang nhân rộng mô hình tổ đan đát tại các xã có đông hội viên phụ nữ Khmer.

Thiết thực chăm lo đời sống hội viên phụ nữ Khmer, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện quan tâm hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Cùng với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội duy trì hoạt động 69 tổ tiết kiệm, 22 tổ góp vốn xoay vòng. Các nguồn vốn này giúp hội viên nói chung và hội viên phụ nữ Khmer nói riêng mạnh dạn mở rộng các mô hình làm ăn kinh tế. Bên cạnh đó, để giải quyết việc làm cho lao động nữ nhàn rỗi, thất nghiệp, 9 tháng đầu năm 2017, Hội phối hợp tổ chức 8 lớp nghề; tư vấn, giới thiệu 812 phụ nữ có việc làm. Hội phụ nữ các cấp thường xuyên phối hợp ngành nông nghiệp, Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học - công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt... cho hội viên phụ nữ. Công tác xây dựng nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn được các cấp Hội Phụ nữ huyện quan tâm. Từ các nguồn vận động, đầu năm 2017 đến nay, Hội hỗ trợ xây dựng 6 Mái ấm tình thương cho hội viên, với số tiền 240 triệu đồng; trong đó, có 3 hội viên phụ nữ dân tộc Khmer.

Không chỉ giúp nhiều hộ gia đình phụ nữ Khmer thoát nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện tích cực vận động hội viên xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Trong đó, tập trung thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với việc xây dựng nông thôn mới; duy trì hoạt động các Câu lạc bộ (CLB): Xây dựng gia đình hạnh phúc; Phòng, chống bạo lực gia đình; Không sinh con thứ ba…

Chị Nguyễn Ngọc Thẩm cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tập trung vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên phụ nữ dân tộc Khmer, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với việc duy trì, phát triển các mô hình hoạt động hiệu quả, Hội sẽ thành lập Chi hội phụ nữ dân tộc nòng cốt. Qua đó, sẽ có các chương trình chăm lo thiết thực, gần gũi hơn với hội viên phụ nữ dân tộc”.

 Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61132

Hôm nay:
1
Tháng này:
416
Tổng lượt truy cập:
61132