Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Nắm quyền

18:20 - 08/01/2018

“Hầu như tất cả chuyện lớn, nhỏ trong gia đình đều do ông xã tôi lo liệu, sắp xếp. Lúc đầu, tôi khá bức bối vì bị “đặt, để” vào chuyện đã rồi. Nhiều lần lên tiếng phản kháng nhưng cuối cùng mọi chuyện vẫn như cũ… Nhiều lúc, tôi thấy vai trò, vị thế của mình trong gia đình khá mờ nhạt…”. Đó là tâm sự của chị T. (quận Bình Thủy) khi nói về hôn nhân của mình.

"Sếp” trong nhà

Trong thực tế đời sống hôn nhân, tình trạng trên không phải hiếm gặp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, yếu tố đầu tiên là đặc điểm tính cách mỗi người. Chẳng hạn, trường hợp gia đình chị K. (quận Bình Thủy) nhiều người nhìn vào hay trêu đùa vợ chồng chị K. “đổi vai” cho nhau. Chị K. mạnh mẽ, quyết đoán, trong khi anh T.,  chồng chị khá chậm chạp, có phần thụ động… Chị K. than: “Chồng người ta năng động, tháo vát bao nhiêu còn chồng mình thì hỡi ơi. Hầu như ngoài chuyện đi làm, về nhà anh chẳng để tâm bất cứ việc gì. Mọi chuyện, từ tính toán, cân đối chi tiêu đến quyết định những vấn đề lớn hơn trong gia đình… đều do tôi cáng đáng. Nhiều lúc oải quá, tôi muốn buông xuôi nhưng không được”.

Vợ chồng đồng lòng, chia sẻ với nhau mọi việc, giúp xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững

(Trong ảnh: Gia đình tham gia hội thi nấu ăn do đoàn thể tổ chức). Ảnh mang tính minh họa

Nhiều người cho rằng, thông thường trong gia đình, ai quyết định kinh tế, sẽ nắm quyền chi phối mọi thứ. Từ nắm quyền, không tôn trọng ý kiến đối phương… sẽ dẫn đến người kia dần trở nên tự ti và mất dần vị thế. Từng tốt nghiệp đại học nhưng anh M. (tỉnh Hậu Giang) không đi làm, ở nhà mở tiệm bán gạo, có thu nhập ổn định; còn chị P., vợ anh, là công chức nhà nước. Hằng ngày, ngoài 8 tiếng làm việc ở cơ quan, chị P. không đụng tay vào bất cứ việc gì trong nhà. Vốn cưng chiều và không muốn vợ vất vả, nên việc lớn, việc nhỏ anh M. tự làm hết. Dần dần, chị P. sinh thói lười biếng và đùn đẩy hết trách nhiệm nội trợ cho chồng. Đã vậy, trước mặt nhiều người, chị P. "khoe" mình giỏi giang, chỉ quen làm việc lớn, gánh vác kinh tế gia đình, còn chồng mình "chuyên trị" việc cỏn con xó bếp... Thấy chị P. ngày càng quá đáng, anh M. rất khó chịu nhưng cố nhẫn nhịn để giữ hòa khí.

Tôn trọng, sẻ chia

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều phụ nữ tự tin khẳng định mình trên các lĩnh vực, thu nhập của nhiều chị em không thua nam giới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều người, trường hợp này, phụ nữ càng phải cư xử hết sức tinh tế, khéo léo. Tuy là chủ hệ thống cửa tiệm bánh lớn, quản lý hàng trăm nhân viên nhưng ở nhà, chị T. (quận Ninh Kiều) sống rất giản dị. Chị T. bộc bạch: “Người phụ nữ thành đạt ngoài xã hội đã khó, làm người phụ nữ thành đạt trong gia đình mình càng khó hơn…”. Theo chị T., một trong những bí quyết giúp chị luôn giữ hôn nhân bền vững là vợ chồng biết tôn trọng, sẻ chia với nhau mọi điều trong cuộc sống. Chị T. tâm sự: “Tuy ông xã không biết nhiều về kinh doanh nhưng vợ chồng tôi cùng bàn bạc mỗi khi chuẩn bị đầu tư hay thực hiện dự án quan trọng. Chính những góp ý, chia sẻ của chồng giúp tôi thêm tự tin, vững bước hơn trong công việc".

Chị Nguyễn Kim Thanh (quận Bình Thủy) rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân của mình. Chị Thanh bộc bạch: “Lúc mới cưới, vợ chồng tôi vấp phải không ít lời xì xầm. Nhiều người cho rằng, chúng tôi là “đôi đũa lệch”, sớm muộn cũng tan. Thế nhưng, bằng tình yêu và sự “đồng lòng”, chúng tôi đã vượt qua sóng gió hôn nhân”. Vợ chồng chị Thanh quá khác nhau về trình độ và thu nhập. Chị Thanh tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, còn anh Kha học hết cấp 2, ở nhà buôn bán phụ giúp gia đình. Do cậy thế con nhà khá giả nên anh Kha ham chơi, lêu lổng. Từ sau kết hôn, anh Kha dần thay đổi, biết quan tâm, yêu thương gia đình nhiều hơn. Riêng chị Thanh ý thức rất rõ sự chênh lệch của hai vợ chồng trong mắt mọi người nên cư xử tế nhị, toàn tâm toàn ý lo cho gia đình.

Bàn về vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Nguyễn Thị Trang (quận Cái Răng) chia sẻ:  “Vợ chồng tôi yêu nhau từ thời là sinh viên đại học sư phạm. Song vì nhiều lý do khác nhau, anh không tiếp tục theo nghề, ở nhà làm ruộng, chăn nuôi..., làm “hậu phương” cho vợ. Nhiều người nhìn vào, tưởng tôi là trụ cột kinh tế. Thế nhưng, chồng tôi mới là trụ cột, luôn động viên, giúp tôi bám trụ với nghề…”. Theo chị Trang, để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, vợ chồng chị nỗ lực rất nhiều. Đó không chỉ là sự đồng lòng mà còn thể hiện bằng những hành động thiết thực, sự khéo léo trong ứng xử... Những ngày cuối tuần, chị Trang tranh thủ giúp chồng việc đồng áng, bởi với chị Trang, một trong những yếu tố giúp hôn nhân bền vững phải xuất phát từ sự công bằng, tôn trọng lẫn nhau.

TRÂM ANH

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

61132

Hôm nay:
1
Tháng này:
416
Tổng lượt truy cập:
61132