Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-12-2020 quy định chi tiết một số điều cùng biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (NĐ 136) quy định điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở; bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; tình thế cấp thiết được phá dỡ nhà để cứu người...
Diễn tập PCCC của lực lượng Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ.
Đối với điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở, NÐ 136 quy định cơ sở phải có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cơ sở phải có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện PCCC khác…
NÐ 136 đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC , gồm: nhà tập thể, nhà trọ, trường tiểu học, THCS, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500m trở lên… Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện PCCC quy định tại khoản 1, Ðiều 17 Luật PCCC. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm điều kiện trên cộng với phải có nội quy về PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC theo quy định của Bộ Công an; đồng thời phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh. Ðiều kiện này phải được hộ gia đình thực hiện, duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Hộ gia đình sinh sống kết hợp sản xuất, kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định.
NÐ 136 cũng quy định cụ thể về tình thế cấp thiết được phá dỡ nhà để cứu người. Người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC được thực hiện quyền quyết định phá, dỡ nhà, công trình, vật chướng ngại và di chuyển tài sản tình thế cấp thiết để cứu người, ngăn chặn nguy cơ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng trong trường hợp: có người đang bị mắc kẹt trong đám cháy hoặc đám cháy đang trực tiếp đe dọa tính mạng của nhiều người; đám cháy có nguy cơ trực tiếp dẫn đến nổ, độc; nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản; khả năng gây tác động ảnh hưởng xấu về chính trị, đối ngoại nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời; nhà, công trình, vật chướng ngại cản trở việc triển khai chữa cháy mà không có cách nào khác để chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn. Phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động để chữa cháy và phục vụ chữa cháy phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc chữa cháy. Trường hợp phương tiện, tài sản được huy động mà bị tổn hao; nhà, công trình bị phá dỡ theo quy định của Luật PCCC thì được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Ðối với cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC, NÐ 136 quy định phải có các điều kiện: người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật của cơ sở kinh doanh phải có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức về PCCC và là người có tên tại một trong các văn bản sau: giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp; có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC; cá nhân đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ để bảo đảm cho một cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC thì không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó để bảo đảm cho cơ sở khác đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế đầu tư, tài trợ trong các lĩnh vực: hoạt động PCCC; trang bị phương tiện PCCC; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức PCCC; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào hoạt động PCCC; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ công tác PCCC. Nhà nước khuyến khích nghiên cứu sản xuất, lắp ráp trong nước, xuất khẩu phương tiện PCCC. Cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện PCCC trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện PCCC được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Nhà nước.
HOÀNG YẾN (Tổng hợp)