Chỉ từ 3 hội viên ban đầu, sau gần 1 năm phát triển, mô hình đan dây nhựa của Chi hội phụ nữ ấp Thắng Lợi, xã Thạnh Lộc đã thu hút gần 20 chị em tham gia. Công việc gia công khá đơn giản, có thể làm tại nhà, tiền công hợp lý, mô hình này đang giúp nhiều hội viên phụ nữ ở xã Thạnh Lộc, Vĩnh Thạnh có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Hội viên phụ nữ xã Thạnh Lộc đan gia công bàn, ghế bằng dây nhựa.
Tiếng cười nói rộn ràng của các thành viên Tổ đan dây nhựa giúp không khí làm việc thêm vui tươi, thoải mái hơn dưới tiết trời nóng hầm hập. Các chị em tay đan thoăn thoắt, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn nhau để cùng hoàn thành sản phẩm nhanh nhất. Theo chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thắng Lợi, đa phần hội viên phụ nữ ấp sống ở khu dân cư vượt lũ là lao động phổ thông, ít ruộng vườn, làm thuê là chủ yếu. Ngoài những lao động đã làm công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp, số chị em còn lại một phần vì bận bịu con nhỏ, cha mẹ già hoặc phần khác là hội viên khá lớn tuổi, sức khỏe giảm sút. Những hội viên này rất cần có nghề làm thêm tại nhà để cải thiện thu nhập. Năm 2018, xã tổ chức được 1 lớp đan giỏ dây nhựa, qua đó thành lập Tổ hợp tác đan dây nhựa với khoảng 30 thành viên. Tuy nhiên, gia công giỏ dây nhựa thu nhập quá thấp nên mô hình không phát huy được hiệu quả. Giữa năm 2018, hội viên Nguyễn Thùy Nương tìm hiểu và liên kết với công ty, đưa nghề gia công bàn, ghế dây nhựa về làm tại nhà, trở thành kênh kinh tế phụ hiệu quả được nhiều chị em quan tâm. Chi hội Phụ nữ ấp và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tìm hiểu, động viên các hội viên có tay nghề trong Tổ hợp tác đan dây nhựa cùng tham gia, giúp cải thiện thu nhập đáng kể.
Vừa tranh thủ hướng dẫn kỹ thuật đan cho thành viên mới, cô Nguyễn Thùy Nương vừa tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu cần thiết cho các thành viên mang về gia công. Cô vui vẻ cho biết: “Vốn có hiểu biết về kỹ thuật đan dây nhựa, một lần tình cờ thấy Công ty TNHH SXTM và xuất nhập khẩu Phúc Gia Hưng có làm mặt hàng đan bàn ghế bằng dây nhựa, tôi chủ động tìm hỏi và liên kết với công ty tổ chức điểm đan dây nhựa ngay tại nhà tôi gần 1 năm nay. Từ 3 thành viên ban đầu, đến nay tổ đã có gần 20 chị em thường xuyên làm gia công với mức thu nhập 90.000-150.000 đồng/người/ngày. Tôi phụ trách tiếp nhận và giao nguyên liệu cho các thành viên và là đầu mối thu gom sản phẩm hoàn chỉnh giao cho công ty. Mỗi khi công ty đưa mẫu mã mới, tôi sẽ trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi giao cho công ty”.
Gia đình có 4 công ruộng, chồng và con làm thuê nên kinh tế gia đình cô Phan Kim Hương khá chật vật. Từ khi biết nghề đan dây nhựa, cô làm kiếm thêm 100.000 đồng/ngày, phụ lo các chi phí sinh hoạt gia đình, nhờ vậy cuộc sống cũng thoải mái hơn. Chị Trần Thị Hồng Điệp thuộc diện hộ cận nghèo của ấp Thắng Lợi. Không có ruộng đất canh tác, chồng chị Điệp đi giăng lưới, cắm câu kiếm cá bán hằng ngày. Còn chị ở nhà chăm sóc 3 con nhỏ. Hơn tháng nay, chị tranh thủ tham gia nhóm phụ nữ đan dây nhựa kiếm thêm khoảng 50.000 đồng/ngày.
Nghề dễ học, dễ làm, chỉ cần chịu khó và tỉ mỉ nên có thể thu hút chị em ở nhiều độ tuổi khác nhau tham gia. Theo chị Lại Thị Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Lộc, đa phần hội viên phụ nữ xã làm nông, làm thuê, mua bán nhỏ,... Mùa nước nổi, lao động nhàn rỗi càng nhiều hơn. Các chị em có nhu cầu tìm việc gia công tại nhà, vừa chăm sóc con nhỏ, vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, việc đan dây nhựa, gia công các sản phẩm xuất khẩu đang được nhiều chị em hưởng ứng, đăng ký tham gia và thực tế đã tạo được hiệu quả tăng thu nhập rõ rệt. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tạo thêm cơ hội học nghề, có việc làm để chị em hội viên từng bước nâng cao chất lượng và sự tự tin trong cuộc sống”- chị Lại Thị Thùy cho biết.
Bài, ảnh: Mỹ Tú