Ven con rạch Trà Uối, xóm thúng Thuận An, quận Thốt Nốt hiện còn khoảng 55 hộ ở các khu vực Thới An 1, Long Thạnh 1, Long Thạnh 2 và Thới Bình 1 duy trì nghề đan đát. Người làm nghề chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi. Ngày nay, xóm thúng không còn nhộn nhịp như mấy mươi năm về trước, nhất là từ khi các loại đồ nhựa, inox trở nên thịnh hành. Nhưng những người theo nghề vẫn “tự tin” sống được với nghề. Những người thợ xóm thúng vẫn thoăn thoắt chẻ nan, đan mê, lận vành… bởi “người ta đặt không làm xuể...”...
Vợ chồng bác Đỗ Văn Minh nhiều năm vẫn duy trì nghề đan đát truyền thống. Ảnh: MỸ TÚ
Chị Trương Thị Trúc Đào, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thuận An, cho biết, bên cạnh nhiều hộ làm các sản phẩm truyền thống, từ giữa năm 2017, địa phương phối hợp Hợp tác xã (HTX) Quốc Noãn (huyện Thới Lai) dạy nghề đan đát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ kích cỡ nhỏ để bán cho khách du lịch. Với bà con xóm thúng, việc tạo ra các sản phẩm này không mấy khó khăn, nhưng không ít người vẫn nghi ngại trước hướng đi mới. Lúc đầu, có hơn 20 người tham gia, nhưng vài ngày sau, lớp nghề thu hút gần 50 thợ đan đát trong xóm. Kết thúc lớp nghề đến nay, HTX Quốc Noãn thường xuyên đặt hàng các sản phẩm đan đát mỹ nghệ, góp phần giúp nhiều thợ lành nghề trong xóm tăng thu nhập.
Theo chị Đỗ Thị Minh Ngọc, Tổ phó Tổ Hợp tác đan đát phường Thuận An, tổ hiện có 19 thành viên nhận làm sản phẩm theo mẫu cho HTX Quốc Noãn. Hút hàng nhất là các loại thúng, nia, rổ, sề cỡ nhỏ (tùy loại, tính chiều dài nan chừng 6 tấc, 4 tấc, 1 tấc 9 hay có loại chỉ 1 tấc 3). Bác Đỗ Văn Minh, cha của chị Ngọc, cho biết: “Thấy sản phẩm nhỏ chớ làm rất khó. Được cái đan nhanh, ít hao tre trúc và tiền công nhỉnh hơn mấy sản phẩm lớn nên cũng đáng”. Trung bình khoảng 1 tháng, lúc hút hàng thì cách tuần, HTX Quốc Noãn gọi điện đặt hàng. Khi hàng gấp, 2 người con của bác Minh và cả cháu nội mới học lớp 5 cũng xúm lại làm để kịp giao hàng. Theo chị Trúc Đào, Đoàn Thanh niên phường còn tranh thủ bày bán, quảng bá sản phẩm xóm nghề tại điểm du lịch Vườn cò Bằng Lăng.
Khi sản phẩm có đầu ra ổn định, số người quay lại với nghề đan đát ngày càng nhiều hơn. Bác Đinh Hùng Tấn, một trong những thợ lâu năm của xóm nghề, kể: “Nhà tôi không ruộng đất, mấy đời sống nhờ nghề đan đát. Hồi tôi còn trẻ là thời hoàng kim của nghề. Vào vụ lúa, cả xóm chong đèn đan đát để kịp giao hàng khắp các tỉnh ĐBSCL. Khoảng 30 năm nay, xóm nghề thưa dần nhưng tôi và bà xã vẫn duy trì. Ngày nào không có trúc đan là muốn bệnh. Gần đây, thương lái đặt hàng nhiều hơn, tôi và bà xã làm không kịp”.
Chị Đinh Thị Nương, cũng là một trong những thợ yêu nghề, cho biết: Nhiều thương lái còn trả trước tiền hàng cho thợ đan đát, xem như giữ mối để chắc chắn đủ hàng. Cô ruột của chị Nương là bà Đinh Thị Mở, làm hơn 1 tháng, giao được 100 bộ sề, trừ chi phí, kiếm hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo chị Nương, giá nguyên liệu cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng nên tiền công đan đát ít lại, không đủ sức thu hút người trẻ theo nghề. Chị Nương tính toán: “Đối với thợ giỏi trong 1 tháng có thể làm ra 400 sản phẩm, thu nhập cao lắm tầm 3 triệu đồng. Vì vậy ban ngày vợ chồng tôi đi làm cho kho lúa, thu nhập cao hơn...”. Dù làm nghề khác để đảm bảo cuộc sống, nuôi con ăn học nhưng hôm nào đi làm về sớm, vợ chồng chị Nương và các con lại đan sề hoặc đan rổ, thúng. Mỗi tuần, cả nhà làm ra 50 sản phẩm, kiếm thêm khoảng 300.000 đồng.
Để giúp bà con làng nghề có vốn mua nguyên liệu, mở rộng sản xuất, địa phương đã giới thiệu 12 thành viên Tổ hợp tác đan đát vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, với số tiền 515 triệu đồng (từ 40-50 triệu đồng/hộ). Tuy nhiên, theo nhiều thợ đan đát, để làng nghề phát triển bền vững, rất cần có sự đầu tư, đa dạng mẫu mã sản phẩm, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng...
MỸ TÚ