Hotline:0129.792.6923 dlxh@vwu.vn
Facebook: https://www.facebook.com/phunu.cantho

Lệch pha

23:37 - 19/09/2016

Trong xã hội hiện đại, nhiều phụ nữ có điều kiện và luôn nỗ lực học tập nâng cao trình độ, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp; đồng thời làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người đàn ông lại giữ tâm lý bảo thủ, không muốn vợ học cao, học rộng… dẫn đến bất hòa trong mối quan hệ vợ chồng.

Câu nói trên là suy nghĩ của khá nhiều đấng mày râu khi nhắc đến chuyện chênh lệch trình độ giữa vợ chồng. Theo quan niệm của nhiều người, phụ nữ chỉ cần có trình độ vừa phải để còn có thời gian chăm sóc nhà cửa, con cái, nội trợ. Một số ông chồng không khuyến khích và không ủng hộ vợ mình theo đuổi ước mơ được học tập nâng cao trình độ, nhất là ở trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ…

Hạnh phúc gia đình thêm vun đắp khi vợ chồng anh Võ Văn Dững,

chị Nguyễn Thùy Linh biết động viên nhau cùng phấn đấu học tập nâng cao trình độ

Cũng vì chuyện học hành mà hạnh phúc gia đình chị Ngọc (ngụ tại quận Ninh Kiều) tan vỡ. Chị Ngọc là mẫu phụ nữ cầu tiến. Là một giáo viên, chị luôn có quan niệm phải nỗ lực học tập và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp không ngừng. Chính vì vậy, chị vừa đi làm vừa đăng ký học các lớp nghiệp vụ và học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. Chồng chị Ngọc cũng là giáo viên. Tuy vậy, anh lại không chấp nhận việc chị Ngọc mải lo học hành. Biết ý chồng không thích, chị Ngọc hết lời khuyên nhủ, lại gắng sức lo chu toàn việc nhà. Hiếm khi nào chị được thảnh thơi. Ngày ngày, cứ xong việc trường lớp, chị lại tranh thủ lo về nhà nấu cơm, giặt giũ,… Xong việc nhà, chị lại tất tả đi học. Nhiều khi phải đi học tận Hà Nội vài tháng, chị cũng tranh thủ cuối tuần đáp chuyến bay về thăm 2 cha con, sơ chế sẵn thức ăn cho cả gia đình. Nhiều khi mệt mỏi, chị cũng không dám kêu than vì sợ chồng trách mắng. Vất vả là vậy nhưng chồng chị lại phủ nhận mọi công sức cố gắng của chị. Trong thâm tâm, anh không muốn vợ có học hàm, học vị cao hơn mình. Anh ngại ánh mắt chê bai của mọi người khi trình độ của anh thấp hơn của vợ. Cũng vì vậy mà anh luôn hằn học với vợ mỗi khi chị Ngọc đi học vắng nhà, hoặc thấy bữa cơm quá đơn sơ… Chán nản vợ nhà, anh đã ngoại tình với một cô gái trẻ. Ngày chị Ngọc chuẩn bị bảo vệ luận văn tiến sĩ cũng là lúc chị hay tin chồng mình ngoại tình. Tâm trạng khổ đau cùng cực, chị chấp nhận ly hôn và sống đơn thân nuôi con.

Chị Tú (cùng ngụ tại quận Ninh Kiều) cũng ngậm đắng nuốt cay khi có người chồng bảo thủ, không đồng ý cho vợ học tập, nâng cao trình độ. Từ nhỏ, gia đình chị Tú rất nghèo nên mới tốt nghiệp trung học phổ thông, chị đã phải nghỉ học, bươn chải kiếm sống. Trong khi đó, chồng chị lại là con nhà khá giả, nhưng mải lo đàn đúm với bạn bè nên không thi đậu nổi tốt nghiệp cấp III. Cưới nhau về 3 năm, chị sinh được đứa con trai nhỏ. Do hai vợ chồng không có trình độ nên chỉ làm nhân viên bảo vệ. Hằng tháng, tiền lương của cả 2 không đủ nuôi con. Thấy vậy, gia đình chồng mới động viên, cho tiền chồng chị đi học bổ túc và học thêm trung cấp Dược. Về phần chị, tuy chị ngỏ ý xin phép được đi học nhưng chồng chị và những người trong gia đình chồng đều nhất quyết ngăn cấm. Họ đều cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà nấu cơm, học rộng hơn chồng rồi lên mặt dạy đời…Chị Tú đành cam phận với công việc nhân viên bảo vệ. Còn chồng chị đi học tận 5 năm mà chẳng lấy nổi một tờ giấy chứng nhận. Anh lại trở về với công việc nhân viên bảo vệ như lúc đầu. Thấy chồng không có ý chí học tập, trong khi mình bị ngăn cản, phải gạt bỏ mong ước được học hành, chị Tú chỉ còn biết nuốt nước mắt vào lòng.

* Cùng phấn đấu, sẻ chia

Đối với người phụ nữ, để cân bằng giữa công việc và gia đình là vấn đề không đơn giản. Bởi lẽ, phụ nữ mất quá nhiều thời gian cho việc mang thai, sinh con, nội trợ, quán xuyến gia đình… Chính vì vậy, nhiều chị em bị quá tải, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin. Gánh nặng gia đình đã làm cho nhiều chị em giảm sút sự thăng tiến, vươn lên, tạo ra tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và ngại tham gia các hoạt động học tập nâng cao trình độ. Theo các chuyên gia tâm lý, sự đồng lòng, sẻ chia từ phía người chồng chính là cơ sở vững chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp người phụ nữ có thể yên tâm công tác và tích cực học tập nâng cao trình độ. Hiểu được điều đó, không ít người chồng đã biết sẻ chia, đồng hành, tạo điều kiện cho cả hai vợ chồng cùng nhau phấn đấu. Gia đình anh Võ Văn Dững và chị Nguyễn Thùy Linh (ngụ tại huyện Thới Lai) là trường hợp tiêu biểu. Chị Linh là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Xuân B, còn anh là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã. Cả 2 vợ chồng cùng nhau học tập, nâng cao trình độ. Những khi ở nhà, anh luôn phụ tiếp vợ chăm sóc con cái, không ngại chia sẻ việc nhà cùng vợ. Với anh, đó là cách ủng hộ vợ tham gia học tập. Còn với chị Linh, tuy bận rộn nhiều việc nhưng chị luôn dành thời gian bù đắp cho chồng con, nhất là những ngày nghỉ cuối tuần; chị thường xuyên duy trì bữa cơm gia đình, dành thời gian chia sẻ khó khăn cùng chồng… Hiện nay, cả 2 vợ chồng anh chị đều vừa làm và vừa học chương trình đại học. Nhờ biết san sẻ công việc, cuộc sống gia đình anh chị luôn đầm ấm, hạnh phúc.

Để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới, trước tiên, phụ nữ phải không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, trí tuệ. Sự ủng hộ từ phía gia đình sẽ tạo điều kiện cho người vợ có thể phấn đấu, phát triển bản thân. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng nhấn mạnh rằng, chị em cũng cần phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa gia đình và sự nghiệp, không nên mải miết công việc học tập mà quên hết công việc gia đình. Bởi hạnh phúc gia đình bắt nguồn từ sự quan tâm, chia sẻ.

Bài, ảnh: Hạ Vy

Tin cùng chuyên mục

Đại hội đại biểu Phụ nữ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2021-2026
ĐHĐB Phụ nữ quận, huyện và đơn vị tương đương, nhiệm kỳ 2021– 2026
Hoạt động các cấp Hội
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp phụ nữ Cần Thơ
Đại hội đại biểu Phụ nữ TPCT, nhiệm kỳ 2016-2021
Hoạt động 8/3
Hoạt động 20/10

Các logo liên kết

Lượt truy cập

68348

Hôm nay:
12
Tháng này:
823
Tổng lượt truy cập:
68348